Nguồn: Manichi
Phản ứng với giá thực phẩm tăng cao
Động lực thúc đẩy luật mới này là sự bất ổn ngày càng tăng trong sản xuất lương thực, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu và các sự kiện địa chính trị bên ngoài, chẳng hạn như cuộc chiến đang diễn ra của Nga tại Ukraine, đã làm gián đoạn hệ thống nông nghiệp toàn cầu. Ukraine, thường được gọi là "vựa lúa châu Âu" nhờ sản lượng nông nghiệp khổng lồ, đã chứng kiến sản lượng của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Và Nhật Bản không nằm ngoài xu hướng đó.
Tại đất nước mặt trời mọc, giá thực phẩm đã tăng mạnh, riêng giá gạo đã tăng 80,9% vào tháng 2. 2025 so với năm trước - mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ năm 1971. Sự gia tăng này không chỉ tạo áp lực tài chính lên người tiêu dùng, mà còn làm nổi rõ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Nhật Bản. Thực tế, Nhật Bản phải nhập khẩu hơn 60% tổng nhu cầu lương thực, khiến quốc gia này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường toàn cầu. Khi nguồn cung từ nước ngoài bị hạn chế và giá cả tăng mạnh, Chính phủ buộc phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ nguồn lương thực trong nước.
Các điều khoản chính của luật
Luật mới phân loại 12 mặt hàng thiết yếu có vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của quốc gia. Đó là các loại thực phẩm chính như gạo, thịt, đậu nành, lúa mì, đường, trứng và các sản phẩm từ sữa. Theo luật, Chính phủ có thẩm quyền can thiệp khi nguồn cung các mặt hàng này giảm 20% trở lên so với mức trung bình và giá cả tăng cao.
Trong những trường hợp như vậy, Chính phủ có thể hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp trong ngành thực phẩm lập kế hoạch nhằm tăng sản lượng, thúc đẩy nhập khẩu hoặc mở rộng lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường. Luật này cũng hỗ trợ nông dân và nhà sản xuất thực phẩm nhằm bảo đảm các nguồn lực cần thiết, chẳng hạn như phân bón và thuốc trừ sâu, để duy trì hoặc tăng mức sản xuất.
Việc không tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ theo luật mới sẽ bị trừng phạt, khiến đây trở thành biện pháp quan trọng để củng cố tầm quan trọng của an ninh lương thực. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không ban hành các lệnh như vậy nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước có thể được bù đắp bằng cách nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác.
Gạo, thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Nhật, đã trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề an ninh nguồn cung cấp lương thực. Mặc dù giá gạo đã tăng trong những tháng gần đây, nguồn cung gạo của Nhật Bản gần đây đã ổn định và hiện không có kế hoạch nào yêu cầu nông dân nộp kế hoạch tăng sản lượng lúa gạo vào thời điểm này. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cảnh giác, sẵn sàng hành động nếu tình hình trở nên xấu đi.
Hành động chiến lược của Chính phủ
Việc ban hành luật trên diễn ra sau các hoạt động lập pháp vào năm ngoái và là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nhật Bản nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh những thách thức toàn cầu khó lường. Bằng cách thực hiện những bước chủ động để giải quyết các vấn đề về nguồn cung, Nhật Bản mong muốn giảm sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài và bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm ổn định cho người dân.
Hiện Nhật Bản đang triển khai nhiều chiến lược nhằm tăng cường an ninh lương thực trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Một trong những biện pháp quan trọng là khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn, đặc biệt khi nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang do dân số già và lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp ngày càng giảm. Chính phủ đã đưa ra các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tái sử dụng những khu vực này, góp phần nâng cao sản lượng nội địa. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, thử nghiệm các giải pháp tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và canh tác thông minh nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, để giảm sự phụ thuộc vào một số quốc gia cung cấp lương thực nhất định, Nhật Bản đang tích cực đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm bằng cách tìm kiếm thêm các đối tác thương mại mới, bảo đảm sự ổn định và linh hoạt hơn cho chuỗi cung ứng lương thực trong nước.
Việc ban hành luật mới được đánh giá là động thái quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm duy trì quyền kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm trong bối cảnh các yếu tố toàn cầu phức tạp. Khi nó có hiệu lực, cả người tiêu dùng và nhà sản xuất đều cần phải thích nghi với bối cảnh đang thay đổi này, vì Nhật Bản đang tìm cách bảo vệ hệ thống thực phẩm của mình trước những gián đoạn trong tương lai.