Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tái xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tái xây dựng nhà máy điện hạt nhân
11 giờ trướcBài gốc
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) ngày 22.12 cho biết, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản cuối tuần này, trên cơ sở thống nhất cao, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) Muto Yoji và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định phương hướng hợp tác song phương trong thời gian tới.
Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và cả hai bên sẽ cùng hợp tác để tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng hướng tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Hai bên hoan nghênh việc khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới vào tháng 3 năm 2024, tiếp nối các mục tiêu của đối tác hợp tác đổi mới công nghệ Việt Nam trước đây. Hai bộ trưởng đều bày tỏ kỳ vọng về những tiến triển hơn nữa trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: MOIT
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật Bản khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam và đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp cho Việt Nam, nhất là đào tạo kỹ sư, lao động kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn (trong bối cảnh ngành này đã trở thành một trong những ngành công nghiệp then chốt, có khả năng định hình tương lai phát triển của thế giới); đồng thời, đề nghị Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên quan đến xây dựng đường sắt cao tốc để các doanh nghiệp Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực và tự chủ trong quá trình thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trong lĩnh vực thương mại, hai bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương về hợp tác kinh tế và thương mại mà cả hai nước đều là thành viên. Đặc biệt, hai bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời khẳng định sẽ hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các thành viên khác trong khuôn khổ Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) để quá trình đàm phán các nội dung còn lại của IPEF đạt những kết quả thuận lợi.
Hai bộ trưởng thống nhất một số biện pháp tăng cường hợp tác nhằm cải thiện kim ngạch thương mại song phương thông qua xuất nhập khẩu các mặt hàng mà hai bên có thế mạnh, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số - là những xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong lĩnh vực năng lượng, hai bộ trưởng khẳng định AZEC (Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á) đóng vai trò là nền tảng quan trọng thúc đẩy giảm phát thải và tăng cường hợp tác trong khu vực, nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai bộ trưởng hoan nghênh việc Việt Nam tuyên bố tái khởi động chương trình điện hạt nhân và các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phía Nhật Bản với nền tảng kinh nghiệm, nền tảng công nghệ hiện đại có tính an toàn cao, sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tái xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Hai bộ trưởng cũng đã trao đổi, thống nhất một số biện pháp tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thống nhất chủ trương tái khởi động. Năm 2011 - thời điểm nghiên cứu dự án này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn, công nghệ.
Về điện hạt nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển.
Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.
Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 85.000MW, cần có thêm khoảng 70.000MW vào năm 2030, tức khoảng 150.000MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt là 400.000 đến 500.000MW. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 8.2024 trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 373.735MW và 62 lò đang xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971MW. Hiện có 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và khoảng 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Có thể thấy, để Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nhat-ban-san-sang-ho-tro-viet-nam-tai-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-227407.html