Nhật Bản sắp cạn kiệt matcha?

Nhật Bản sắp cạn kiệt matcha?
5 giờ trướcBài gốc
Matcha trở thành loại nước uống biểu tượng của sống đẹp, lành mạnh và chữa lành trên mạng xã hội. Ảnh: Threads.
Trong một quán matcha nằm trên đại lộ Hollywood (Mỹ) náo nhiệt, nhân viên nhẹ nhàng lắc đầu với từng lượt khách. “Chúng tôi không còn loại đó”, họ nói, lần lượt loại bỏ gần hết các món trong thực đơn 25 loại trà xanh.
Những người trẻ lặng lẽ rời đi nhưng mắt vẫn lướt nhanh để tìm các quán matcha trên Instagram. Loại thức uống này vẫn là biểu tượng sống đẹp và lành mạnh.
Kettl Tea, quán matcha thủ công ở Los Angeles, đang là điểm đến của giới trẻ mê trà xanh Nhật Bản. Tuy nhiên, phần lớn các loại matcha trong menu luôn trong tình trạng “hết hàng”.
Người sáng lập, Zach Mangan, thừa nhận không thể nhập thêm vì nguồn cung từ Nhật Bản đang quá tải. “Chúng tôi làm mọi cách nhưng vẫn không có thêm hàng để bán”, anh nói.
Trong vài năm gần đây, matcha không còn là thức uống chỉ dành cho tín đồ trà đạo. Nhờ sự lan tỏa trên mạng xã hội, loại trà bột màu xanh lá này đã trở thành biểu tượng của lối sống lành mạnh, tối giản và “chữa lành”.
Nghề trồng trà, làm bột matcha là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Nhật Bản. Ảnh: JNTO.
Các video pha trà cùng sữa hạnh nhân hay vị dâu tây thu hút hàng triệu lượt xem. Từ quán cafe đến siêu thị, matcha xuất hiện dưới dạng latte, kem, bánh ngọt, thậm chí là mỹ phẩm.
Nhu cầu tăng chóng mặt ở phương Tây khiến các nhà sản xuất truyền thống ở Nhật rơi vào thế khó. Tại tỉnh Saitama, ông Masahiro Okutomi, người trồng trà thế hệ thứ 15, cho biết trang trại của ông buộc phải ngừng nhận đơn hàng mới. “Tôi mừng vì thế giới quan tâm nhưng sản xuất matcha không thể tăng đột biến như vậy được”, ông chia sẻ.
Để có được bột matcha chất lượng, lá trà tencha phải được chăm sóc công phu: che nắng 3 tuần trước khi thu hoạch, tách gân thủ công, sấy và nghiền chậm bằng cối đá.
Quá trình này không thể công nghiệp hóa nếu muốn giữ hương vị và màu sắc chuẩn. “Phải mất vài năm để đào tạo một người biết làm matcha. Nó là nghề truyền thống, không thể trở thành dây chuyền sản xuất”, ông Okutomi nói.
Không chỉ cầu vượt cung, giá thành matcha cũng đang tăng. Một phần nguyên nhân đến từ rào cản thương mại. Chính quyền Mỹ đang xem xét tăng thuế nhập khẩu trà Nhật từ 10% lên 24%.
“Chúng tôi buộc phải tăng giá bán, nhưng khách vẫn chấp nhận, thậm chí còn mua nhiều hơn vì sợ sẽ hết hàng”, Mangan cho biết.
Nhiều trang trại trà ở Nhật Bản phải chọn chất lượng và số lượng khi nhu cầu về matcha tăng đột biến toàn cầu. Ảnh: Matchaya.
Matcha cũng đang trở thành “món đầu tư” của giới influencer. Điển hình là Andie Ella, 23 tuổi, YouTuber người Pháp với hơn 600.000 người theo dõi. Cô vừa ra mắt thương hiệu matcha riêng tại Tokyo và đã bán được hơn 133.000 lon chỉ trong vài tháng.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, năm 2024, xuất khẩu matcha chiếm hơn 50% trong tổng lượng trà xanh, tăng gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên, diện tích trồng trà ở Nhật đang giảm nhanh.
“Chúng tôi chỉ còn 1/4 số trang trại so với 20 năm trước", ông Okutomi nói. Nông dân già, người trẻ không mặn mà với nghề vì làm matcha cực khổ và chậm sinh lời.
Trong khi các nước nhập khẩu liên tục tăng đơn, nhiều vùng trồng trà ở Nhật phải chọn giữa giữ chất lượng hay mở rộng sản xuất. “Nếu làm quy mô lớn, giá rẻ, thì không còn là matcha của Nhật nữa”, ông Okutomi khẳng định.
Đông Tùng
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/nhat-ban-sap-can-kiet-matcha-post1566473.html