Sử dụng AI phục chế tác phẩm nghệ thuật gốc
Theo hãng CNN, đối với những du khách không thể tới thăm bảo tàng Quốc gia Tokyo, nơi hiện sở hữu bức tranh lá vàng sử thi "Rakuchu Rakugai Zu Byobu" của tác giả Iwasa Matabei thì giờ đây có thể ghé thăm phòng trưng bày Gagosianở London (Anh) vào tháng 12 này.
Bức tranh gốc được vẽ vào khoảng năm 1615. Ảnh: Iwasa Matabei
Phòng trưng bày Gagosian mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng bức tranh của tác giả Iwasa Matabei. Tuy nhiên, hãy nhìn kỹ hơn, và không phải mọi thứ đều như vẻ bề ngoài.
Triển lãm "Lịch sử nghệ thuật Nhật Bản theo phong cách Takashi Murakami" đã diễn ra ở Gagosian tại London (Anh).
Đáng chú ý, tại triển lãm, ông Takashi Murakami, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng ở Nhật Bản, đã trưng bày tác phẩm nghệ thuật đồ sộ, được phục chế từ bức tranh gốc của tác giả Iwasa Matabei. Bức tranh được vẽ trên một tấm bình phong lớn gấp sáu lần bức tranh gốc. Giống như bản gốc, tác phẩm mô tả cuộc sống ở Kyoto thời Edo một cách chi tiết tỉ mỉ.
Tuy nhiên, nghệ sĩ Murakami cũng thực hiện một vài bổ sung quan trọng so với tác phẩm gốc. Trong phiên bản thế kỷ 21 này, mỗi đám mây phản chiếu cũng được chạm nổi nhiều hơn. Và cũng thêm một số chi tiết khác nữa.
Mặc dù có chút thay đổi nhưng các chuyên gia nghệ thuật vẫn đánh giá đây vẫn là bản sao gần như hoàn hảo của bức tranh.
"Bức tranh gốc đã rất cũ. Có rất nhiều vết sẹo và sơn bị mất. Khoảng 80% là ổn, và 20% còn lại, tôi đã yêu cầu AI tô màu và vẽ", nghệ sĩ Murakami nói tại buổi khai mạc triển lãm.
Một cuộc trò chuyện diễn ra giữa AI và họa sĩ cũng diễn ra trong chương trình để định vị việc tô chính xác các khoảng trống.
"Chúng tôi đã trao đổi qua lại rất nhiều lần cho đến khi đưa ra câu trả lời hay. Sau đó ra đời một bức tranh ghép từ các hình ảnh AI", Murakami nói về quá trình này, từ việc vẽ phác thảo đến vẽ các chi tiết nhỏ mất khoảng 10 tháng để hoàn thành.
Tác phẩm nghệ thuật hoành tráng dài 13 mét này là viên ngọc quý của một triển lãm mới tại Gagosian. Ảnh: Gagosian
Các công cụ AI hiện là chủ đề nóng trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có các cuộc tranh luận nóng đề cập đến việc liệu AI có ảnh hưởng đến sự sáng tạo của con người và ngành nghệ thuật hay không.
Vào tháng 10 năm nay, hơn 11.000 nghệ sĩ, bao gồm các họa sĩ Amoako Boafo và Joanna Pousette-Dart, đã ký một bức thư ngỏ yêu cầu các công ty AI ngừng sử dụng tác phẩm của họ để viết ra các thuật toán trong lĩnh vực nghệ thuật.
"Việc sử dụng các tác phẩm sáng tạo để đào tạo AI sẽ tạo ra mối đe dọa lớn và bất công đối với những người đứng sau các tác phẩm đó", tuyên bố nêu rõ.
Tuy nhiên, với ông Murakami, người trước đây đã thử nghiệm với thực tế tăng cường (AR) và tạo ra bộ sưu tập NFT của riêng mình vào năm 2023, lại có góc nhìn khác với AI.
"Tôi đã 62 tuổi. Khi tôi 28 hoặc 29 tuổi (trước khi máy tính cá nhân trở nên phổ biến) thì một nhà thiết kế được hiểu là tạo ra các thiết kế thủ công. Vì vậy, những nhà thiết kế theo trường phái cũ sẽ nói rằng tác phẩm sử dụng công nghệ không phải là sáng tạo, không có thực vì thao tác bằng máy tính. Nhưng hiện tại đã khác. Có lẽ trong 10 hoặc 20 năm nữa, những gì liên quan đến AI sẽ trở nên phổ biến.", ông nói.
"Đó là xu hướng phát triển"
Không chỉ riêng bức tranh của họa sĩ Iwasa được lựa chọn để phục chế bằng công cụ tiên tiến nhất của thời đại thông tin, ông Murakami cũng tìm đến nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng khác ở Nhật Bản.
Ở những nơi khác trong triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật cổ điển thời kỳ Edo của thợ gốm và họa sĩ người Nhật Ogata Kenzan, nghệ nhân in ấn Utagawa Kuniyoshi và các họa sĩ Tawaraya Sotatsu và Kano Eitoku cũng đã được phục chế tương tự, thậm chí, một số còn được phục chế nhiều hơn so với tác phẩm của tác giả Iwasa Matabei.
Takashi Murakami trở lại London để thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Anh sau 15 năm. Ảnh: James Manning/PA/AP
Chẳng hạn, trong một tác phẩm phục chế khác từ bức tranh"Wind God and Thunder God" của Sotatsu, các vị thần được đúc lại theo phong cách anime đương đại (dù cảm nhận làm giảm đi phần nào giá trị so với tác phẩm gốc của Sotatsu).
Hiện tại, ông Murakami có phòng trưng bày theo phong cách nhà máy, có tên Kaikai Kiki. Phòng trưng bày hoạt động như một dây chuyền sản xuất quy mô lớn với đội ngũ trợ lý nghệ thuật giúp sáng tạo tác phẩm. Ông đã thuê thêm 30 người để làm bản sao của tác giả Iwasa. Ông cũng đặt tên cho bản sao là "Rakuchuu-Rakugai-zu Byobu: Iwasa Matabei RIP".
Trong khi nhiều người cùng thời với ông từ chối chấp nhận AI, thì công việc của Murakami đã giúp ông bắt kịp với những thay đổi của thế giới về cách tiếp cận đối với công nghệ.
"Một số trợ lý trẻ của tôi chưa bao giờ chạm vào bút chì hoặc bút mực. Bất cứ khi nào họ làm việc, họ đều dùng chuột hoặc máy tính bảng hoặc thứ gì đó. Có thể còn rất sớm, nhưng trong 7 hoặc 10 năm nữa, mọi người có thể sử dụng AI để tạo ra những bản vẽ nhanh. Đối với tôi, điều đó rất kỳ lạ. Nhưng đây là con người, đó là xu hướng phát triển", ông nhấn mạnh./.
Hồng Nhung