Nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn luôn là điểm đến ưa thích của lao động Việt Nam. Với các chính sách mở rộng thu hút lao động nước ngoài, cùng mức phí ngày càng thấp khiến thị trường này càng lúc càng thu hút mạnh lao động Việt Nam “xuất ngoại”.
Phí giảm, nhu cầu tiếp nhận tăng
Tham gia học tiếng Nhật từ tháng 3 đến nay, dự kiến tháng 9 tới đây anh Lê Văn Nam (28 tuổi, quê ở Nam Mỹ, Nam Trực, Nam Định) sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản làm công nhân xây dựng. Anh Nam cho hay, sau mấy năm đi làm đủ nghề từ phụ bếp cho đến chạy xe ôm công nghệ ở Hà Nội nhưng anh cũng chỉ đủ ăn. Được khuyên nên đi xuất khẩu lao động, sau khi tìm hiểu đơn hàng đang tuyển ở một số công ty, anh quyết định đăng ký tham gia một đơn hàng xây dựng với mức phí khoảng 80 triệu đồng.
“Ban đầu tôi nghĩ phí để đi xuất khẩu lao động Nhật Bản sẽ khoảng 150 - 200 triệu đồng, như thế gia đình sẽ phải đi vay một khoản khá lớn. Đối với những gia đình ở nông thôn thì đi vay một khoản tiền lớn như thế không hề dễ. Hiện nay mức phí sang Nhật Bản như thế này tôi thấy rất phù hợp và tạo điều kiện để lao động phổ thông có thể đi xuất khẩu lao động, thay đổi cuộc sống”, anh Nam cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay nhu cầu sang Nhật Bản của lao động Việt Nam đang tăng mạnh, trong khi đó mức phí lại không quá cao, phù hợp với số đông người lao động. Đơn cử tại Công ty cổ phần Deco Quốc tế, để tham gia các đơn hàng Nhật Bản, người lao động chỉ phải chi trả mức phí đúng theo quy định của Bộ Nội vụ là 3.600 USD (khoảng 90 triệu đồng), thực tập sinh Nhật Bản mức phí chỉ từ 55 triệu đồng. Đơn vị này cam kết không phát sinh chi phí, không những vậy người lao động còn được nợ phí 50% không lãi suất.
Trong khi đó, mức phí của Công ty cổ phần Thương mại Phát triển Kỹ thuật và Nhân lực Quốc tế đối với lao động đi làm việc ở Nhật Bản cũng theo đúng quy định là 3.600 USD, một số đơn hàng người lao động cũng có thể được nợ phí từ 50 - 100%.
Mức phí giảm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận cơ hội ra nước ngoài làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Dịch vụ và cung ứng nhân lực Aki thì mức phí cho lao động sang Nhật Bản làm việc đã giảm mạnh và rất phù hợp với người lao động. Nguyên do là khi Luật 69/2020/QH14, luật cho người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc có hiệu lực.
“Trước khi luật này có hiệu lực, người lao động tham gia các chương trình đi làm việc ở Nhật Bản thường phải chi trả mức phí khá cao, thường là từ 150 – 200 triệu đồng. Mức phí này là trở ngại lớn đối với không ít người, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Phí giảm đã giảm áp lực tài chính rất lớn cho người lao động, giúp họ yên tâm hơn khi ra nước ngoài làm việc và giảm tỷ lệ lao động phải bỏ trốn ra ngoài làm việc”, ông Hoàng nói.
Phí giảm giúp người lao động có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc giảm bớt áp lực tài chính.
Tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm
Ngày 14/5/2025 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Cung ứng nhân lực Hoàng Long và một số đơn vị liên quan. Theo đó, doanh nghiệp này có dấu hiệu lạm dụng việc được cấp phép, giao nhiệm vụ tổ chức người đi xuất khẩu lao động, cố ý áp đặt, buộc người lao động phải nộp phí dịch vụ vượt nhiều lần định mức chi phí, chiếm đoạt tiền của người lao động.
Không những thế, công ty này còn lập, sử dụng 2 sổ sách kế toán, khai man, để ngoài sổ sách kế toán, không hạch toán đầy đủ doanh thu để báo cáo thuế, làm giảm doanh thu, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước. Vụ việc này sẽ là lời răn đe, cảnh tỉnh về chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đồng thời cũng phát hiện, kiến nghị bịt kín những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, mang lại công bằng xã hội cho người lao động.
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ nhằm minh bạch lĩnh vực này mà còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Để thị trường xuất khẩu lao động phát triển bền vững, bên cạnh việc kiên quyết xử lý các vi phạm, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm, xuất khẩu lao động. Qua đó, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn tố giác tội phạm phải chuyển ngay cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý.
Ông Hương cho hay, qua thanh tra, kiểm tra thời gian vừa qua, lỗi vi phạm thường gặp là các doanh nghiệp không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động trong hợp đồng. Bên cạnh đó, còn có nhiều lỗi khác như ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thực hiện không đúng nội dung hợp đồng cung ứng lao động...
Do đó, riêng lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc, ông Hương cho rằng, yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là các hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để trục lợi, mua bán người, tổ chức, môi giới cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phan Hoạt