Người đứng đầu cộng đồng dân cư ở TP Uda (Nhật) Yoshiji Misaki đã chia sẻ rằng gần 1/5 lượng ngôi nhà tại thành phố nông thôn này là nhà bỏ trống. Người này cũng cho biết dân số thành phố Uda đã giảm một nửa trong 60 năm qua, theo đài CNA.
Số liệu mới nhất cho thấy TP Uda có khoảng 1.000 nhà bỏ trống, nhiều hơn 300 so với 5 năm trước.
Đây trở thành một trong nhiều thực tế minh chứng xu hướng đáng báo động ở Nhật, khi những người trẻ tuổi chuyển đến các thành phố lớn hơn để làm việc, bỏ lại ngày càng nhiều vùng dân cư nông thôn cùng những ngôi nhà chìm trong hoang vắng.
Thực trạng
Nhà bỏ trống, hay còn được gọi là “akiya”, là những ngôi nhà không được sử dụng trong thời gian dài ở Nhật. Khái niệm này bao gồm cả các căn hộ chung cư không có người ở trong nhiều năm.
Đài CNA dẫn dự đoán mới nhất của các chuyên gia rằng số lượng nhà bỏ trống trên khắp nước Nhật sẽ tăng lên tới con số 23 triệu vào năm 2038, tức là cứ 3 ngôi nhà thì có khoảng 1 ngôi nhà bỏ trống.
Một ngôi nhà gỗ bỏ hoang đã bị sập một phần ở Tamba-sasayama (Nhật). Ảnh: GETTY IMAGES
Trước đó, khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật công bố hồi tháng 4-2024 cho biết tính đến tháng 10-2023 đã có tới 9 triệu căn nhà bỏ trống trên toàn nước Nhật, tương đương 13,8% tổng số nhà ở Nhật. Điều này có nghĩa là cứ bảy ngôi nhà thì có khoảng một ngôi nhà bỏ trống, theo tờ Nikkei Asia.
Trong số đó, có tới 3,85 triệu ngôi nhà đã thành nhà hoang trên khắp Nhật, tăng 360.000 ngôi nhà so với cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018.
Hiện tượng tăng số lượng nhà bỏ trống tại Nhật chủ yếu diễn ra ở các vùng nông thôn có dân số đang giảm. Wakayama và Tokushima có tỉ lệ nhà bỏ trống cao nhất trong số 47 tỉnh của Nhật, ở mức 21,2%.
Tìm giải pháp
Đứng trước tình trạng trên, chính quyền địa phương trên khắp đất nước trong những năm qua đã nỗ lực tìm cách vực dậy những ngôi nhà bỏ trống tại Nhật nhằm cứu lấy vùng nông thôn. Một trong số các giải pháp phổ biến đó là trợ cấp tài chính nhằm tạo động lực cải tạo nhà bỏ trống cho người trẻ.
Tại TP Uda, chính quyền thành phố trao tặng tới 2 triệu yen (13.954 USD) dưới dạng tiền trợ cấp kinh doanh để thu hút người trẻ cải tạo nhà bỏ trống.
Ngoài ra, TP Uda cùng các địa phương khác cũng đang mua lại nhà bỏ trống và cải tạo chúng để cung cấp chỗ ở cho người trong thời gian ngắn. Các ngân hàng akiya cũng được thành lập nhằm tạo nền tảng giúp chính quyền các địa phương hoặc nhà điều hành tư nhân rao bán các bất động sản bỏ trống, từ đó giao dịch được diễn ra thuận lợi hơn.
Ngôi nhà bỏ hoang tại một ngôi làng nhỏ ở Miyoshi (Nhật). Ảnh: GETTY IMAGES
Không chỉ có chính quyền địa phương, chính phủ Nhật cũng đang nỗ lực đưa ra giải pháp thu hút người trẻ trở về quê hương nhằm phân bổ lại dân cư ở các vùng. Kể từ tháng 4-2023 đến nay, chính phủ Nhật đã thực hiện chính sách cung cấp tới 1 triệu yen (6.977 USD) cho mỗi trẻ em đối với các gia đình chuyển khỏi khu vực Tokyo đến các vùng nông thôn của Nhật để sinh sống.
Các quan chức hy vọng rằng khoản tiền mặt này sẽ khuyến khích 10.000 người chuyển ra khỏi Tokyo vào năm 2027 và giảm bớt áp lực dân số cho thành phố 37 triệu dân này.
Hiệu quả
Một mặt, các chính sách hướng tới mục tiêu hồi sinh những căn nhà bỏ trống nói riêng và vùng nông thôn nói chung đã mang đến một số tín hiệu tích cực.
Quan chức của tỉnh Oita cho biết nhờ vào các chính sách hỗ trợ về mặt tài chính của chính quyền, chẳng hạn cung cấp cho những cư dân khởi nghiệp tại đây khoản trợ cấp lên đến 1,8 triệu yen (12.558 USD), ngày càng có nhiều cư dân quay trở lại nơi đây và cải tạo nhà bỏ trống để khởi nghiệp trong thời gian qua.
Không chỉ hướng tới người trẻ, việc rao bán nhà bỏ trống còn thu hút cả người nước ngoài, góp phần hồi sinh những căn nhà bỏ hoang này. Nhiếp ảnh gia người Pháp Coline Emilie Aguirre hiện là một trong 380 người nước ngoài đang sinh sống tại Uda. Bà Aguirre đã mua một ngôi nhà bỏ hoang với giá 33.000 USD, chỉ bằng một nửa giá của một ngôi nhà mới trong khu vực.
Các chính sách hỗ trợ rời khỏi Tokyo của chính phủ Nhật cũng đã phát huy tác dụng ban đầu: Tháng 6-2023, 70.054 người đã rời khỏi vùng Tokyo, tăng so với 65.568 người trong cùng thời điểm năm 2022.
Nhà hàng Yanagiya 150 năm tuổi từng là một ngôi nhà bỏ trống nhưng đã được cải tạo lại, tại Kitsuki, tỉnh Oita (Nhật). Ảnh: CNA
Mặt khác, những chính sách trên còn nhiều hạn chế, chưa thể giúp giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra vấn đề nhà bỏ trống.
Theo đài CNA, hiệu quả các các chính sách bị hạn chế bởi những khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện được đưa ra. Để nhận được các khoản trợ cấp tài chính, ít nhất một người trong hộ gia đình phải khởi nghiệp, xin việc tại một công ty vừa và nhỏ tại nơi ở mới hoặc tiếp tục công việc trước đây của họ từ xa. Điều này đặt ra thách thức khi cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn ở Tokyo so với các khu vực khác.
Một điều kiện khác có thể gây ra khó khăn đó là các gia đình phải sống tại thị trấn mới trong 5 năm. Mặc dù nhằm mục tiêu thúc đẩy các gia đình gắn kết lâu dài với nơi ở mới, quy định này lại khiến các gia đình khó có thể quay trở lại Tokyo nếu họ mất việc hoặc cần quay trở lại vì lý do khẩn cấp cá nhân. Điều này làm cho người trẻ ngần ngại trong việc nhận trợ cấp và quay về nông thôn để cải tạo nhà bỏ trống.
Quan trọng hơn cả, tình trạng sụt giảm dân số của Nhật vẫn đang tiếp diễn. Mới đây nhất, Bộ Nội vụ Nhật hôm 14-2 cho biết tổng dân số nước Nhật tiếp tục giảm trong năm 2024, đánh dấu đà giảm kéo dài 14 năm liên tiếp, theo tờ Japan Times.
Trong đó, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao mức kỷ lục chiếm 29,3% dân số nước này trong khi tỉ lệ người dưới 15 tuổi chỉ khoảng 11,2% tổng dân số, đánh dấu mức tỉ trọng thấp nhất từ trước đến nay. Tình trạng này sẽ khiến việc giải quyết vấn đề nhà bỏ trống tại Nhật và hồi sinh các vùng nông thôn có thể sẽ còn nhiều thách thức hơn trong tương lai tới.
TRỌNG TẤN