Ngày 7-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đã gửi thư tới 14 quốc gia báo rằng Mỹ sẽ áp các mức thuế từ 25% đến 40% lên các nước này từ ngày 1-8, trừ khi các nước ký thỏa thuận thương mại với Mỹ trước thời hạn đó, theo tờ The New York Times.
Trong số 14 nước này có hai đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á là Hàn Quốc và Nhật đều chịu mức thuế suất mới là 25%, cùng một số nước Đông Nam Á như Lào 40%, Myanmar 40%, Thái Lan 36%, Campuchia 36%, Indonesia 32% và Malaysia 25%.
Mỹ để ngỏ đàm phán
Trong thư, ông Trump cảnh báo rằng Mỹ sẽ tăng thuế cao hơn nữa nếu quốc gia nào tìm cách trả đũa bằng cách tăng thuế nhập khẩu hàng Mỹ hoặc cố gắng trốn thuế bằng cách vận chuyển qua các quốc gia khác.
Tổng thống Trump công bố thư gửi 14 quốc gia thông báo về mức thuế mới, trong đó đã bao gồm thuế đối ứng mà ông công bố hồi tháng 4. Ảnh: NHÀ TRẮNG, THE NEW YORK TIMES
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán để điều chỉnh mức thuế quan này bằng cách kêu gọi các nước xóa bỏ các chính sách, rào cản thương mại phi thuế quan cũng như mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ. Theo ông Trump, mức thuế quan này có thể được điều chỉnh, tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác thương mại này.
Trước đó, Nhà Trắng đã ra thông báo gia hạn lệnh hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng chục quốc gia cho tới ngày 1-8, thay vì ngày 9-7 như đã tuyên bố trước đây.
Khi được báo chí hỏi rằng ngày 1-8 có phải là hạn cuối cùng để đàm phán hay không, ông Trump nói rằng ông “chắc chắn nhưng không chắc chắn 100%”. Theo ông, nếu các nước điện đàm cho Mỹ, thể hiện mong muốn đàm phán và “muốn làm điều gì đó theo cách khác”, phía Mỹ sẽ sẵn sàng lắng nghe và cởi mở với điều đó.
Hiện tại, mới chỉ có ba quốc gia là Anh, Trung Quốc, Việt Nam đạt được thỏa thuận sơ bộ về thuế đối ứng với Mỹ.
Các nước cấp tập đàm phán chốt thỏa thuận
Sau thông báo mới từ Mỹ, nhiều nước khẩn trương hơn trong đàm phán với Washington. đưa ra những đề xuất, nhượng bộ được đánh giá là hấp dẫn với phía Mỹ.
Ngày 8-7, Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba cho biết Nhật rất lấy làm tiếc khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với nước này. Thủ tướng Ishiba khẳng định Nhật tiếp tục đàm phán với Mỹ để đi đến một thỏa thuận thương mại có lợi cho cả hai nước cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, theo hãng tin Reuters.
Nhiều nước khẩn trương đàm phán chốt thỏa thuận thương mại với Mỹ sau thông báo từ Tổng thống Trump. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo Thủ tướng Ishiba, Nhật đã có thể phải chịu mức thuế quan thậm chí còn cao hơn mức 25% ông Trump vừa công bố (khoảng 30% đến 35%), nhưng quá trình đàm phán gần đây đã giúp kéo giảm. Tuy nhiên, đàm phán vẫn còn dang dở và hai nước chưa thể đi đến thỏa thuận.
Cũng trong ngày 8-7, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ đẩy nhanh đàm phán với Mỹ, khẩn trương giải quyết những bất đồng trong thương mại để ký một thỏa thuận cùng có lợi.
"Hàn Quốc sẽ theo đuổi các cải cách về thể chế và quy định trong nước để giải quyết thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác, phục hồi sản xuất song phương để phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt của hai nước" - theo thông báo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết ông “hơi sốc” khi Mỹ giữ nguyên mức thuế 36% với Thái Lan như đã công bố hồi tháng 4, nhưng cũng hy vọng rằng nước này sẽ hoàn tất đàm phán thuế với Mỹ trước hạn 1-8 và mức thuế mới sẽ thấp hơn, theo tờ Bangkok Post.
Ông Chunhavajira đề nghị Mỹ kết hợp xem xét đề xuất Thái Lan gửi Mỹ vào ngày 6-7 với các đề xuất trước đó và cân nhắc giảm thuế. Trong đề xuất mới nhất gửi Mỹ vào ngày 6-7, Thái Lan đưa ra những cam kết hấp dẫn để tăng khối lượng thương mại song phương và giảm 70% thặng dư thương mại 46 tỉ USD với Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Theo đó, Thái Lan sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với 90% hàng hóa Mỹ, đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với một số sản phẩm của Mỹ, ký thỏa thuận nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong 20 năm với Mỹ và lên kế hoạch mua máy bay Boeing.
Cũng giống các nước khác, Bộ Thương mại Malaysia cho biết Malaysia sẽ tiếp tục đàm phán một cách thiện chí với Mỹ để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và tìm cách kết thúc đàm phán sớm. Nam Phi cũng “sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao hướng tới mối quan hệ thương mại cân bằng hơn và cùng có lợi hơn với Mỹ”.
Thị trường châu Á, Mỹ phản ứng trái chiều
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thư gửi 14 quốc gia thông báo mức thuế mới, giá cổ phiếu châu Á ngày 8-7 tăng nhưng thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên ngày 7-7 lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh, theo tờ The Wall Street Journal.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng vào trưa 8-7. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 0,4% lên 39.734,62 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,2% lên 3.096,29 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,2% lên 23.941,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,6% lên 3.492,41. Chỉ số FTSE Straits Times của Singapore tăng 0,52% lên 4052.93 điểm. Riêng chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,1% xuống 8.583,50 điểm.
Ngược lại, trên Phố Wall khi chốt phiên giao dịch ngày 7-7, ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đã trải qua ngày giao dịch ảm đạm nhất trong khoảng 3 tuần qua.
Theo đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,79% - mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 6. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 422 điểm, tương đương 0,94%. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 0,92%.
ĐỨC HIỀN