Nhật ký chiến trường - những dòng chữ sống mãi với thời gian

Nhật ký chiến trường - những dòng chữ sống mãi với thời gian
6 giờ trướcBài gốc
Liệt sĩ Phạm Quang Sơn nhập ngũ năm 1968, khi mới 16 tuổi. Khi ấy, như hàng triệu thanh niên Việt Nam yêu nước, trong tim chàng trai trẻ Phạm Quang Sơn có một quyết tâm: đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Anh được phân vào đơn vị công trường 671 - mặt trận B5, hòm thư 270 - 833 - TB02 thuộc tỉnh Quảng Trị.
Những cuốn nhật ký nhỏ bé này được viết tại mặt trận Quảng Trị từ năm 1968 đến 1972, là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng và khốc liệt. Từng trang viết thấm đẫm lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và ý chí chiến đấu kiên cường của một người lính trẻ đến từ thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn).
Hình ảnh 4 cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Quang Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn
Những dòng chữ mộc mạc nhưng đầy sức mạnh ấy không chỉ là ký ức cá nhân mà còn là bức tranh sống động về ý chí kiên cường của quân giải phóng. Qua từng trang viết, người đọc cảm nhận được ngọn lửa yêu nước cháy bỏng, sự quyết tâm không ngại gian khó và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Liệt sĩ hy sinh ngày 7/12/1972. Kỷ vật còn lại là một chiếc ba lô đựng vật dụng cá nhân và 4 cuốn nhật ký chiến trường được gửi về cho gia đình.
Đến năm 2015, gia đình liệt sĩ Phạm Quang Sơn đã quyết định trao tặng 4 cuốn nhật ký quý giá này cho Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, với mong muốn hiện vật thiêng liêng ấy được bảo quản và truyền tải đến các thế hệ sau. Bà Phạm Kim Liên, em gái liệt sĩ, giờ đã ở tuổi xế chiều, vẫn đều đặn đến bảo tàng mỗi dịp 30/4 cùng chồng - một cựu chiến binh cũng từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Đối với bà, cuốn nhật ký không chỉ là kỷ vật của người anh trai, mà còn là cầu nối giữa quá khứ hào hùng và hiện tại yên bình. “Chúng tôi muốn những dòng chữ của anh trai được lưu giữ mãi mãi, để con cháu và mọi người hiểu được giá trị của hòa bình hôm nay”, bà Liên xúc động nói.
Chị Lương Thúy Hồng, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Bốn cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Quang Sơn là một hiện vật đặc biệt, không chỉ vì giá trị lịch sử mà còn bởi nó truyền tải tinh thần bất khuất của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mỗi dòng chữ là một minh chứng cho lòng quả cảm và lý tưởng cao đẹp”.
Mỗi dịp 30/4, gia đình liệt sĩ Phạm Quang Sơn lại quây quần nơi thờ tự liệt sĩ tại căn nhà của người em trai ở thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc. Trong không gian ấm cúng, những câu chuyện, ký ức về người anh cả được các thành viên chia sẻ, như những mảnh ghép tái hiện hình ảnh một người lính trẻ với lý tưởng cao đẹp.
Em gái và em trai liệt sĩ Phạm Quang Sơn xem lại kỉ vật của anh trai mình
Ông Phạm Ngọc Bình, em trai liệt sĩ Phạm Quang Sơn xúc động nói: "Mỗi dịp 30/4 không chỉ là ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là ngày gia đình tụ hội để cùng nhau nhớ về người anh trai liệt sĩ, người thân trong gia đình, bằng tất cả tình yêu thương và tự hào".
Em trai liệt sĩ Phạm Quang Sơn chăm sóc nơi thờ tự liệt sĩ
Với gia đình họ, ngày 30/4 không chỉ là một ngày lịch sử, mà còn là ngày của những "hẹn ước", ngày để những người ở lại tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống. Những nén nhang được thắp lên không chỉ để tưởng niệm, mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nối liền "mạch sống" từ những chiến hào năm xưa đến mái ấm gia đình hôm nay. Những cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Quang Sơn với những dòng chữ bất tử, vẫn sẽ tiếp tục kể câu chuyện về lòng quả cảm, ý chí chiến đấu và khát vọng hòa bình của quân và dân Việt Nam ta trong một thời hoa lửa, vang vọng mãi theo thời gian.
DIỆP HẰNG - NGUYỄN TRINH
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/nhat-ky-chien-truong-nhung-dong-chu-song-mai-voi-thoi-gian-5045253.html