Nhật ký làm việc của thủ trưởng một Trung đoàn Không quân

Nhật ký làm việc của thủ trưởng một Trung đoàn Không quân
7 giờ trướcBài gốc
Trung tướng Nguyễn Đức Soát (bên trái) và Tổng giám đốc Văn phòng Thiết kế Sukhoi Pogosian P.A. tại trụ sở văn phòng ở Moskva (tháng 5-1994). Ảnh: Tư liệu.
Trong cuộc đời quân ngũ và qua các cương vị chỉ huy khác nhau, có thể nói gần hai năm làm trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 927 là thời kỳ tôi cảm thấy vất vả nhất, song cũng đáng nhớ và có nhiều kỷ niệm nhất.
Nhà văn Nguyễn Như Phong khi nghe tôi kể lại công việc của mình lúc làm trung đoàn trưởng, anh bảo: chỉ huy không quân đúng là một nghề "ba trong một". Đó là, vừa là chỉ huy, vừa là thầy, vừa là thợ.
Để có thể làm chỉ huy ở các trung đoàn không quân, trung đoàn trưởng phải là phi công có trình độ bay giỏi, nếu không nói là giỏi nhất. Không chỉ sử dụng máy bay một cách thành thạo, người chỉ huy phải có khả năng thực hiện các nhiệm vụ bay không chiến, bay tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước bằng bom, tên lửa, rocket trong mọi điều kiện thời tiết ban ngày và ban đêm. Để đạt được trình độ bay như vậy, tôi cũng phải tập như bất kỳ phi công nào khác của trung đoàn, cũng phải làm "thợ".
Đây là sự khác biệt rất lớn giữa trung đoàn trưởng không quân với các quân binh chủng khác, khi lữ trưởng Hải quân không phải tự lái tàu chiến, lữ trưởng Tăng thiết giáp không phải tự lái xe tăng... Vậy là, ngay từ đầu năm tôi cũng được cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch bay cả năm theo từng khoa mục, tương ứng với điều kiện thời tiết trong năm.
Những ngày không chỉ huy bay, tôi cũng chuẩn bị bay như các phi công khác, cũng vẽ sơ đồ bài bay vào sổ chuẩn bị bay, cũng được chỉ huy bay kiểm tra khả năng xử lý các trường hợp bất trắc và ký vào sổ chuẩn bị bay của tôi bốn chữ "Đủ điều kiện bay".
Ngoài việc chỉ huy mọi công việc của đơn vị như những cán bộ các quân binh chủng khác, chỉ huy không quân còn phải trực tiếp chỉ huy từng ban bay của trung đoàn. Hồi ấy tuần làm việc có sáu ngày (cả thứ bảy), trung đoàn tôi thường tổ chức bốn ban bay ban ngày và ba ban bay đêm. Theo quy định, một ngày phi công, cơ quan và thợ máy chuẩn bị, có thể bay liền hai ngày. Riêng bay đêm, buổi sáng phi công chuẩn bị, gần tối thì đi sân bay để bay. Là trung đoàn trưởng, tôi là người chịu trách nhiệm phát lệnh triển khai các ban bay, tùy theo dự báo thời tiết.
Khi đó trung đoàn có bộ phận dự báo khí tượng do một kỹ sư học ở Liên Xô (trước đây) về phụ trách. Máy móc là một xe thu thập thông tin. Vào lúc một giờ sáng, các đài dự báo từ phần phía nam của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, từ bên Lào, Thái Lan, rồi Philippines, Malaysia... bắt đầu phát các số liệu thời tiết theo chuẩn quốc tế về độ ẩm, khí áp, hướng gió và tốc độ... Nhân viên khí tượng điền các số liệu trên vào một tấm bản đồ chuyên ngành. Từ hai giờ đến ba giờ, nhóm chuyên gia khí tượng bắt đầu dựng lên bức tranh về khí tượng trong ngày nhờ nối các đường đẳng áp với nhau.
Dự báo thời tiết thuở ấy sơ đẳng như thế, song chỉ có các trung đoàn không quân mới có khả năng dự báo như vậy. Dựa trên bức tranh trên cộng với kinh nghiệm thực tế về diễn biến khí tượng khu vực cần bay, vào lúc ba giờ sáng, sỹ quan trợ lý huấn luyện cùng trưởng ban khí tượng đến báo cáo dự báo thời tiết. Lúc này tôi là người ra quyết định có triển khai bộ đội đi bay hay không, vì nếu trời chuyển xấu, triển khai lực lượng ra sân bay mà không bay được thì rất lãng phí. Việc phát lệnh triển khai bay phải từ lúc ba giờ rưỡi sáng vì nếu tổ chức bay buổi sáng, vào lúc năm giờ rưỡi kíp phi công chỉ huy đã cất cánh bay trinh sát thời tiết. Thời gian để bộ phận kỹ thuật, hậu cần làm xong công tác chuẩn bị cần đến hai tiếng đồng hồ.
Đến tận lúc này, khi nhớ lại, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên là sao thuở ấy, mình có thể dẻo dai đến thế.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát & NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhat-ky-lam-viec-cua-thu-truong-mot-trung-doan-khong-quan-post1518967.html