Với chiều dài gần 4 km, tác phẩm nghệ thuật công cộng này đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, con đường gốm ấy đang dần mất đi vẻ rực rỡ, thay vào đó là sự xuống cấp, nhếch nhác và lãng quên.
Đoạn đường gốm sứ gần chợ Long Biên, nơi từng được ví như “bức tường kể chuyện bằng gốm” với đầy sắc màu. Thế nhưng, ngay trước mắt tôi bây giờ là một mảng tường gạch trơ trụi, những viên gốm vỡ nát, đoạn tranh tường bong tróc từng mảng lớn, để lộ nền xi măng và gạch đỏ phía sau.
Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long giờ dần xuống cấp tiếng thở dài của người dân
Theo quan sát, nhiều đoạn vỉa hè còn ngổn ngang rác thải sinh hoạt vứt chồng chất, vỏ hộp xốp, túi nilon, vỏ chai vứt la liệt… mùi xú uế, nồng nặc bởi 1 số người thiếu ý thức phóng uế bừa bãi.
Ông Minh, một người dân thường xuyên đi bộ trên tuyến đường này cho cho biết: “Đây là hình con rồng, dần dân bị mai một đi, gãy hết thành ra thế này. Mọi người dân yêu cầu chỗ này phải đẹp đẽ, khang trang. Càng đẹp bao nhiêu thì người dân càng tự vệ sinh sạch sẽ bấy nhiêu. Ở đây người ta cũng kêu gọi nhưng chủ yếu người ta có để tâm hay không.
Người ta rất muốn sửa lại cho khang tranh nhưng kinh phí không thể 1 người bỏ ra được. Kinh phí có thể cả ngõ bỏ ra nhưng ai là người chủ chốt? Chưa có người nào đứng ra mà không có ai kêu gọi, chỉ có cá nhân thôi. Mà cá nhân thì làm làm sao được”.
Con đường gốm sứ là công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, nằm ven sông Hồng đi qua địa phận quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Trong những năm qua, con đường này là niềm tự hào của người dân Hà Nội khi được tổ chức kỷ lục thế giới Guiness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Con đường gốm sứ cũng là nơi ghi dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu dài gần 4.000m, diện tích 7.000m2 với mức kinh phí 65 tỷ đồng.
Mặc dù liên tục dọn dẹp, thế nhưng vẫn chẳng thể bớt đi rác thải và mùi xú uế do một số người thiếu ý thưc phóng ra
Thế nhưng theo phản ánh của người dân, những năm trở lại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân vô tư phóng uế, xả rác bừa bãi hay chiếm dụng vỉa hè làm nơi bán hàng quán tại dọc con đường từng được vinh danh này, một biểu tượng mang đậm giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đến nay, con đường gốm sứ chỉ còn lại những vết loang lổ, những vết nứt vỡ ngang dọc, những đoạn đường bị bọng tróc, nhiều vị trí trơ trọi.
Nhìn những bức tướng trống trơn, phủ đầy rêu mốc, chị Nguyễn Kiều Như trú tại quận Hoàn Kiếm tiếc nuối: “Con đường gốm sứ từ trước đến nay rất đẹp mà lại mang nết truyền thống của VN mình. Bây giờ theo tôi thấy con đường này rất lâu rồi và cũng đang xuống cấp. Tôi mong muốn nhà nước cũng như mọi người có đóng góp để nâng cấp con đường này”.
Anh Trần Mạnh Hải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng: “Quan trọng là ý thức của người dân, người dân xung quanh đây chưa có ý thức bảo vệ với thắng cảnh này và đơn vị quản lý làm việc chưa được tốt”.
Một đoạn tranh gốm sứ bị đốt trơ trụi, nhiều mảng tường bị bong tróc... chẳng còn nhận ra công trình được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới
Sự xuống cấp của con đường gốm sứ không đơn thuần là vấn đề mỹ quan đô thị. Nó phản ánh một “lỗ hổng” lớn trong cách chúng ta bảo vệ các giá trị văn hóa công cộng. Công trình nghệ thuật này từng được kỳ vọng là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, là một “bảo tàng mở” giữa lòng Thủ đô, thế nhưng đến nay gần như bị bỏ mặc.
Dù đã từng được tu sửa vào năm 2015 và 2017, song việc thiếu một cơ chế quản lý và bảo trì thường xuyên khiến nỗ lực đó trở nên ngắn hạn. Đáng tiếc hơn, tuyến đường gốm trải qua nhiều quận khác nhau – từ Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm đến Hai Bà Trưng – nên việc quản lý trở nên rời rạc, thiếu phối hợp.
Rác sinh hoạt, vứt la liệt của người dân và tiểu thương khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác, lộn xộn
Chị Nguyễn Hà, một du khách đến du lịch tại Hà Nội cho biết: “Ngày xưa phố này mới cũng háo hức, nhưng đến bây giờ sau nhiều năm không đầu tư, không thêm gì thì bị nhàm, bị xuống cấp, vỉa hè thì xe cộ để thế lộn xộn, ô tô, xe máy để thế, rồi xe hàng rất vướng”.
Con đường gốm sứ, nơi từng được Tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới nay đã xuống cấp. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều công trình nghệ thuật ở Hà Nội. Nếu không có chính sách để bảo tồn thì các công trình nghệ thuật công cộng này sẽ sớm bị bào mòn theo thời gian và theo ý thức của một số người dân.
Rác thải chất đống trên vỉa hè, dưới chân bức tranh gốm sứ
Hậu quả của việc xuống cấp các công trình nghệ thuật công cộng không chỉ làm lãng phí ngân sách, tiền bạc mà còn làm mất đi những giá trị không thể tính được bằng tiền đó là chất xám, công sức và thời gian của những nghệ sĩ.
Điều này cũng thể hiện, cách mà những nhà quản lý đô thị đang ứng xử với các tác phẩm nghệ thuật của Hà Nội như thế nào.
Hải Bằng/VOV Giao thông