Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2021, dài 13,11 km, gồm 12 nhà ga trên cao, bình quân mỗi ngày có khoảng 35.000 lượt hành khách đi tàu, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên sau gần 4 năm vận hành, một số hạng mục metro đã xuống cấp như: Mái Nhà ga Yên Nghĩa bị thủng khoảng 50 m2, dẫn đến tình trạng cứ mưa là nước chảy lênh láng khắp tầng 2...
... khiến bộ phận quản lý metro phải cử nhân viên thường xuyên túc trực lau dọn mỗi khi có mưa, nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa.
Đường ray qua Nhà ga Yên Nghĩa lênh láng nước. Việc chậm sửa chữa, khắc phục có thể tác động tiêu cực đến vận hành tàu, cần sớm có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Phần mái Nhà ga Yên Nghĩa bị bão số 3 thổi bay từ tháng 9/2024, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa.
Tại Nhà ga Văn Khê, mặc dù được trang bị hệ thống máy uống nước miễn phí phục vụ hành khách, nhưng do hư hỏng, nên đã dừng hoạt động từ lâu.
Hệ thống thang cuốn các nhà ga metro liên tục trong tình trạng tạm dừng hoạt động để bảo hành, sửa chữa.
Cầu thang cuốn lên xuống nhà ga bị vẽ bậy lâu ngày, nhưng không được làm sạch.
Rất nhiều máy bán vé tự động ở các nhà ga trong tình trạng "tạm ngừng dịch vụ".
Các bảng thông tin đoàn tàu đến và đi tại các nhà ga cũng trong tình trạng "tạm ngừng hoạt động".
Một tấm kính chắn tại Nhà ga Hà Đông đã bị vỡ lâu ngày, nhưng không được thay thế. Theo đại diện Hà Nội Metro, với những hạng mục có yêu cầu nguồn kinh phí lớn, cần phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông bất ngờ thấy nước nhỏ liên tục từ trần xuống toa hành khách, khiến một số người phải dùng ô che, nguyên nhân được xác định là do lỗi hệ thống điều khiển điều hòa không khí của đoàn tàu...
Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc