Tại khu vực khán đài A, nơi trang trọng dành cho các vị lãnh đạo cấp cao và những cán bộ lão thành, một tổ quân y đặc biệt của Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng) đã được triển khai, nhận nhiệm vụ rất quan trọng.
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, các chiến sĩ quân y đã là một "lá chắn" y tế vững chắc, bảo đảm sức khỏe cho những vị khách quý và người dân trong suốt thời gian diễn ra lễ duyệt binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.
Tổ quân y đặc biệt chia thành 3 nhóm nhỏ, gồm: Nhóm 1 túc trực tại 12 lều y tế xung quanh khu vực diễn ra diễu binh, diễu hành; nhóm 2 làm nhiệm vụ trong xe cứu thương dã chiến; nhóm 3 đóng quân trong trạm y tế dã chiến đặt tại Viện Vật lý Y sinh học (khu vực gần khán đài)
Nữ đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Ngô Thị Hải Linh (31 tuổi), điều dưỡng viên khoa Nội mạch, Bệnh viện Quân Y 175, cho biết đã có 8 năm gắn bó với Bệnh viện Quân y 175 và đây không phải là lần đầu tiên tham gia một nhiệm vụ có quy mô lớn như vậy.
Trước đó, nữ đại úy đã có hơn 1 năm tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn. Với đại úy Linh, đó là một trải nghiệm quý báu giúp chị quen với môi trường làm việc đặc thù.
Chia sẻ về lần tham gia phục vụ đại lễ Quốc gia A50 lần này, Đại úy Linh không giấu được niềm vui tự hào: "Đây là một vinh dự rất lớn khi được là một trong những người phục vụ cho cái đại lễ của quốc gia. Các chiến sĩ khối diễu binh còn cực hơn chúng mình nhiều, phải tập ngoài trời nắng gắt hàng giờ. Mình chỉ đang góp một phần rất nhỏ trong đại lễ".
Lần này, Đại úy Linh đảm nhận vai trò trực tiếp chăm sóc và điều trị tại trạm cấp cứu dã chiến thuộc đội quân y đặc biệt của sự kiện. Được biết, đội của chị được thành lập tiên phong từ Bệnh viện Quân y 175, đóng vai trò tuyến đầu trong việc tiếp nhận và xử lý mọi tình huống y tế phát sinh.
Nữ đại úy quân y khiêm tốn cho rằng sự đóng góp của mình chỉ là một phần rất nhỏ
Đại tá, BS-CK II Vũ Đình Ân, Chủ nhiệm phụ trách khoa Hồi sức tích cực, cho biết trạm y tế dã chiến có 17 thành viên, gồm bác sĩ, điều dưỡng, tài xế và cán bộ hậu cần. Trạm y tế túc trực 24/24, sẵn sàng xử lý các sự cố, thảm họa có thể xảy ra tại nơi đông người như cháy nổ, sập khán đài,...
Đại tá, TS-BS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 (thứ 3, từ phải sang) cùng đoàn lãnh đạo đã đến kiểm tra khu vực y tế dã chiến, động viên tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Trước khi được đưa đến khu điều trị, người bệnh sẽ được đánh giá tại khu phân loại. Những trường hợp nặng sẽ nhanh chóng chuyển sang khu vực hồi sức cấp cứu chuyên sâu
Sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh, đang sinh sống tại TP HCM, trung úy Lê Đức Anh (SN 1997), điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Quân y 175, cho biết đã có 3 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe quân nhân.
Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ, không giấu được niềm vui sướng, trung úy Đức Anh cười tươi nói: "Tôi cảm thấy rất tự hào khi được góp một phần nhỏ bé để đảm bảo công tác bảo đảm sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ và người dân tham gia đại lễ".
Tuy vậy, chàng trung úy trẻ cũng không tránh khỏi những lo lắng, đặc biệt khi nhiệm vụ của tổ là đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ cấp cao.
Trung úy Lê Đức Anh
Tổ của anh gồm 4 người và một lái xe luôn túc trực trong xe cứu thương dã chiến cơ động, được trang bị đầy đủ thiết bị y tế hiện đại. Trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ, Đức Anh cùng đồng đội sẽ túc trực tại khu vực trước và sau khán đài để theo dõi và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống y tế.
Khi được hỏi có cảm thấy tủi thân khi các chiến sĩ khối diễu binh được người dân hò reo, chúc mừng, tặng hoa, thậm chí là gọi "chồng ơi", còn quân y thì phải "ẩn mình", trung úy 9X cười tít mắt, nói: "Mình có người yêu rồi. Mỗi chiến sĩ sẽ có một nhiệm vụ, chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ với đất nước đã là món quà vô giá rồi, không cảm thấy tủi thân gì cả".
Tổ quân y của Trung úy Đức Anh sẽ làm nhiệm vụ trong xe cứu thương dã chiến.
Xe được trang bị đầy đủ máy thở, máy sốc điện, monitor theo dõi, máy hút dịch và cán di động, vận hành như một phòng cấp cứu mini.
Huế Xuân