Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thảo
Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2, thành phố Thủ Đức), thống kê cho thấy mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 4.500-4.700 bệnh nhân đến khám bệnh. Đặc biệt, đây cũng là đơn vị tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm lượt xạ trị ung thư đầu, cổ mỗi ngày. Do đó, Bệnh viện Ung bướu TPHCM phải chịu áp lực lớn trong việc thực hiện kế hoạch xạ trị mỗi ngày.Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa xạ trị đầu cổ, tai mũi họng, hàm mặt thuộc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết xạ trị là phương pháp dùng bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Ước tính khoảng 70% bệnh nhân ung thư cần được điều trị xạ trị.Tuy nhiên, vấn đề tác dụng phụ hoặc di chứng của phương pháp này vẫn nặng nề, đòi hỏi phải cải thiện độ chính xác để giảm rủi ro, đem lại chất lượng sống tốt nhất cho bệnh nhân. Vì vậy, vừa qua, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã ứng dụng trí AI trong việc lập kế hoạch xạ trị để tối ưu hóa quá trình điều trị cho bệnh nhân.Bác sĩ Hoàng cho hay, việc sử dụng phần mềm Raysearch tích hợp AI tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM được xem là một bước tiến trong xạ trị. Cụ thể, sau khi có kết quả chụp CT, dữ liệu của người bệnh sẽ được tải vào máy tính, AI sẽ phân tích và nhanh chóng đưa ra kết quả xác định cấu trúc chỉ còn khoảng 2-3 phút cho từng trường hợp, rút ngắn rất nhiều thời gian. Trước đây, bác sĩ phải mất tới 4 tiếng mới thực hiện xong.Nói thêm về hiệu quả của ứng dụng AI trong xạ trị, bác sĩ Hoàng chia sẻ “Quá trình áp dụng trên những bệnh nhân đầu tiên cho thấy AI giúp tăng độ chính xác và hiệu quả, hạn chế các sai sót trong chuỗi quy trình xạ trị phức tạp. Đáng nói hơn, ứng dụng AI giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian chờ đợi lập kế hoạch xạ trị từ 5-10 ngày giảm xuống còn 2-3 ngày”.
Ứng dụng AI giúp các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM có thể theo dõi quá trình điều trị từ xa của những ca bệnh khó ở tuyến dưới. Ảnh: Minh Thảo
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cho biết, AI cũng giúp giảm gánh nặng về thời gian cho các bác sĩ điều trị. Thay vì phải làm việc 4 tiếng hồ trên máy, bác sĩ có thể dành thời gian chăm sóc bệnh nhân, hội chẩn, nghiên cứu khoa học… Việc ứng dụng AI còn giúp các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu TPHCM có thể lập kế hoạch xạ trị, hội chẩn, đưa ra phương án tốt nhất; đồng thời theo dõi quá trình điều trị từ xa của những ca bệnh khó ở tuyến dưới.Theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, vùng đầu cổ là nơi có nhiều cấu trúc quan trọng. Đây là cơ quan nguy cấp, mất nhiều thời gian điều trị nhất nên bệnh viện ưu tiên nghiên cứu và áp dụng trước. Với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, bệnh viện sẽ tăng cường triển khai AI trong điều trị, giúp góp phần tiết kiệm chi phí và tài nguyên y tế.Không chỉ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, hiện nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng sử dụng AI để kiểm soát gây mê. Còn Bệnh viện Chợ Rẫy ứng dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh tế bào máu, sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý xét nghiệm... giúp các bác sĩ tối ưu hóa hoạt động chẩn đoán, điều trị.Tại huyện Cần Giờ (TPHCM), Trạm y tế xã Thạnh An cũng ứng dụng AI trong chẩn đoán từ xa. Được biết, đây là trạm y tế đầu tiên trên cả nước triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi và ứng dụng telemedicine (tạm hiểu là chẩn đoán, theo dõi người bệnh từ xa).“Về kết quả triển khai giai đoạn đầu, các bác sĩ tại trạm y tế xã đã phát hiện được 95 bất thường, thường gặp trên phim X-quang phổi của bệnh nhân chỉ trong vòng 10 giây. Sau đó, hình ảnh số của phim X-quang được đưa lên hệ thống lưu trữ và truyền tải y tế (PACS). Điều này giúp các bác sĩ trẻ luân phiên đến công tác tại xã đảo có thể hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM. Từ đó, việc chẩn đoán cho người bệnh được chính xác, nhanh chóng hơn và điều trị đúng phác đồ”, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM đã thông tin trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố vào tháng 10 vừa qua.Theo bà Như, việc ứng dụng AI cũng tăng khả năng tiếp cận y tế của người dân tại Trạm y tế xã Thạnh An. Bên cạnh đó, mô hình này cũng mang lại hiệu quả giúp người dân xã đảo được chăm sóc y tế toàn diện, giảm sự quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Minh Thảo