Nhiều bí ẩn của người cổ đại ở Quỳnh Văn cách đây gần 5.000 năm

Nhiều bí ẩn của người cổ đại ở Quỳnh Văn cách đây gần 5.000 năm
5 giờ trướcBài gốc
Hé mở cuộc sống của người cổ đại cách đây gần 5.000 năm
Nằm cạnh quốc lộ 1A và cách bờ biển khoảng 7 km, di chỉ Quỳnh Văn rộng gần 5.000 m², được bao bọc bởi tường rào và nhà dân xung quanh. Các cuộc khai quật vào năm 1963, 1964 trên diện tích 150 m² đã phát hiện hàng loạt hiện vật như công cụ đá, xương, vỏ nhuyễn thể, gốm vỡ và đặc biệt là 30 ngôi mộ cổ.
Từ đó, các nhà khảo cổ xác định đây là di chỉ cư trú và mộ táng thuộc loại hình cồn sò điệp đại diện tiêu biểu của văn hóa Quỳnh Văn, có niên đại khoảng 5.000 năm, với cư dân thuộc chủng Australo - Negroid mang đặc điểm giao thoa với Mongoloid.
Hố khảo cổ ở di chỉ Quỳnh Văn vừa được khai quật.
Đợt khai quật mới nhất, bắt đầu từ ngày 19/3, do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Quốc gia Úc cùng Bảo tàng Nghệ An phối hợp thực hiện. Mục tiêu là xác định chuỗi niên đại bằng phương pháp Carbon C14, phục dựng đời sống cư dân cổ và cách họ tạo dựng không gian cư trú.
Ba hố khai quật được mở ở ba vị trí khác nhau. Hố số 1 (rộng 9 m², sâu 3,2 m) chứa đầy vỏ điệp và trầm tích văn hóa, có ít nhất 3 lớp cư trú khác nhau. Tại đây, đoàn phát hiện 56 lỗ cọc dấu tích có thể liên quan đến nhà ở hoặc công trình có mái che, và 54 bếp lửa nguyên thủy được xây bằng đá cháy, than, vỏ sò, than đen có bếp mới chồng lên bếp cũ. Bên cạnh đó là các lỗ chôn sâu chứa vỏ nhuyễn thể, cho thấy sinh hoạt ăn uống phong phú.
Trong hố khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều di vật gồm đá cháy trong bếp, công cụ đá, mảnh tước và một số mảnh gốm nhỏ vỡ vụn. Đá cháy chủ yếu là loại đá núi mềm, không thích hợp để chế tác công cụ được cho là liên quan đến việc làm nóng thực phẩm.
Quá trình khai quật, đoàn khảo cổ tìm thấy nhiều xương cá biển, cá da trơn và dấu hiệu của việc sử dụng cá sấu, rùa, lợn, hươu nai. Điều này cho thấy cư dân cổ ở đây đã thích ứng cao với môi trường nước và trên cạn.
Đáng chú ý, nhiều bếp lửa còn được bảo tồn khá tốt, kèm theo các phiến đá biến đổi bởi nhiệt, hé lộ phần nào kỹ thuật chế biến thức ăn của cư dân cổ. Qua các lớp đất, đoàn khảo cổ cũng thu thập được xương cá biển, cá da trơn, cùng dấu tích cho thấy người xưa từng săn bắt và sử dụng các loài như cá sấu, rùa, lợn rừng, hươu và nai.
Những phát hiện này cho thấy cư dân cổ tại khu vực đã thích nghi rất tốt với cả môi trường sông nước lẫn rừng núi, đồng thời phản ánh lối sống săn bắt hái lượm đa dạng, linh hoạt và giàu kinh nghiệm sinh tồn.
Bí ẩn trong những ngôi mộ cổ
Hố khai quật số 2, cách hố 1 khoảng 31 m, được xem là nghĩa địa cổ đầu tiên của văn hóa Quỳnh Văn còn được bảo tồn tốt. Tại đây, lớp trầm tích rất phức tạp, chứa nhiều vỏ sò khác biệt so với vỏ điệp ở hố 1. Trong lớp đất sâu mới chỉ 2,5 m, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều ngôi mộ cổ cùng dấu tích sinh hoạt như bếp lửa, mảnh tước đá và gốm vỡ.
Hố khai quật thứ 1 tại Di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn có độ sâu khoảng 3m, nổi bật với những lớp sò điệp, vỏ nhuyễn thể có niên đại hàng ngàn năm xếp chồng lớp lên nhau.
Các ngôi mộ được chôn trong tư thế ngồi co bó gối, trong hố tròn, có trường hợp ba thi thể chồng lên nhau. Xương sụp xuống khi phân hủy tạo cảm giác thân trên tách rời, nhưng vẫn giữ được biên mộ rõ ràng điều cho thấy ý thức chôn cất cẩn trọng của cư dân xưa. Tư thế này phổ biến trong văn hóa Đa Bút (Thanh Hóa) và các nền văn hóa hậu kỳ săn bắt hái lượm ở Đông Nam Á, Nam Trung Quốc và Úc.
Tuy nhiên, việc vắng bóng gốm và công cụ đá mài trong mộ, chỉ có công cụ đá ghè đẽo kiểu Hòa Bình, Bắc Sơn cho thấy Quỳnh Văn có thể cổ hơn Đa Bút hoặc thuộc dòng văn hóa khác biệt.
Nhiều chi tiết kỳ lạ xuất hiện, mộ có đá lớn kê chân, lớp cát vàng phủ thi thể, ba chày đá, ngà voi gãy và các vỏ sò, ốc khoan lỗ có thể là vòng cổ. Ngoài ra, hệ thống hố cột cùng đá cố định cột gợi ý khu vực có mái che, một yếu tố không có ở hố 1.
Một số di vật được phát hiện ở di chỉ Quỳnh Văn.
Một lớp mộ khác sâu hơn 2 m thuộc giai đoạn muộn được phát hiện, có đặc điểm tương tự các ngôi mộ đã được khai quật từ năm 1963 – 1964.
Theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): "Việc các ngôi mộ được chôn cạnh nhau hoặc chồng lên nhau nhưng vẫn giữ ranh giới rõ ràng cho thấy đời sống tâm linh của người Quỳnh Văn cổ đã rất phát triển. Cách họ tổ chức không gian sống và chết thể hiện một ý thức rõ rệt".
Dù thời gian khai quật còn hạn chế, nhưng những kết quả ban đầu đã hé lộ nhiều tập tục tang lễ độc đáo và mô hình sinh hoạt cổ. Các bộ hài cốt được bảo tồn tốt hứa hẹn mang lại nhiều thông tin quý giá về di truyền, bệnh lý và dinh dưỡng của cộng đồng tiền sử Quỳnh Văn.
Văn hóa Quỳnh Văn thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, phân bố chủ yếu ở các vùng đồng bằng ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh.
Các di tích thường là những cồn sò, điệp dày từ 5 đến 6 mét, nằm trên những cánh đồng hẹp, cách biển từ 1 đến 10 km, bị kẹp giữa dãy núi thấp và Biển Đông. Nền văn hóa này được các học giả Pháp phát hiện lần đầu tiên vào năm 1930 tại khu vực Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu.
Thông qua các đợt khảo sát và khai quật vào các năm 1963, 1976 và 1979, các nhà nghiên cứu đã xác định được 21 địa điểm liên quan, phần lớn tập trung ở huyện Quỳnh Lưu.
Dấu tích cư trú để lại gồm bếp, mộ táng, công cụ đá, đồ dùng bằng xương, mảnh gốm và vô số vỏ nhuyễn thể tất cả đều phản ánh rõ nét đời sống gắn bó với biển cả cùng hoạt động săn bắt, hái lượm của cư dân thời tiền sử nơi đây.
Song Hoàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nhieu-bi-an-cua-nguoi-co-dai-o-quynh-van-cach-day-gan-5000-nam-169250505102611063.htm