Một điểm cấp điện mặt trời bị bỏ hoang, không được quản lý, dẫn đến thiết bị hư hỏng - Ảnh Hoàng Phúc
Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Quảng Bình (cũ, nay là tỉnh Quảng Trị), dự án "Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời" (gọi tắt là dự án QBSC), triển khai tại các xã vùng sâu vùng xa, đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ vi phạm trình tự, thủ tục, chậm quyết toán vốn đầu tư đến tình trạng hàng loạt thiết bị bị hư hỏng, cháy nổ, mất trộm gây thiệt hại 14 tỉ đồng.
Nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng nhiều lãnh đạo bị "điểm tên"
Trách nhiệm chính thuộc về Ban Quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình thuộc Sở Công thương; chính quyền các xã thực hiện dự án; đơn vị thụ hưởng; tổ vận hành tại cơ sở và các hộ dân được cấp điện.
UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều cán bộ lãnh đạo có liên quan. Đáng chú ý là ông Nguyễn Xuân Quang - nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo dự án QBSC - bị cho là có thiếu sót trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ theo quy chế làm việc của Ban chỉ đạo.
Ông Mai Văn Nhị - Trưởng Ban Quản lý dự án QBSC giai đoạn 2012-2014, trong quá trình thực hiện dự án đã để xảy ra sai phạm trong việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ quản lý, cũng như đào tạo cán bộ kỹ thuật tại Hàn Quốc.
Ông Võ Quang Minh - Trưởng Ban giai đoạn 2014-2019, bị xác định có sai phạm trong công tác quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu đưa tài sản vào sử dụng, chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án. Điều này dẫn đến việc dự án đã hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thể quyết toán theo quy định.
Các ông Lê Trá Khoái (phụ trách Ban quản lý từ tháng 11-2019 đến tháng 11-2020) và Nguyễn Việt Hà (phụ trách từ tháng 3-2021 đến nay) bị xác định có trách nhiệm trong việc tiếp tục để chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án.
Ngoài ra, ông Đào Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở Công thương, Trưởng đoàn kiểm tra theo Quyết định 137/QĐ-UBND ngày 18-1-2022, sau khi kiểm tra đã phát hiện vi phạm trong việc nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán hợp đồng thi công khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền, nhưng chưa kịp thời tham mưu xử lý theo đúng quy định, nên cũng bị yêu cầu kiểm điểm.
Thiệt hại 14 tỉ đồng
UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) cũng giao Sở Nội vụ tham mưu việc kiểm điểm trách nhiệm và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến dự án.
Một phòng chứa ắc quy trong hệ thống điện mặt trời bị xuống cấp nghiêm trọng, thiết bị hoen rỉ, phủ đầy bụi bẩn và gần như hư hỏng hoàn toàn do không được bảo dưỡng, quản lý
Cụ thể, các đơn vị phải kiểm điểm gồm: Sở Công thương, Ban Quản lý dự án QBSC, UBND các xã và tổ vận hành cấp xã tại các địa phương: Kim Thủy, Ngân Thủy, Trường Xuân, Trường Sơn, thị trấn Phong Nha (nay là các xã Kim Ngân, Trường Sơn, Phong Nha); cùng Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường - là một trong những đơn vị thụ hưởng dự án.
Ngoài ra, một số cán bộ Ban quản lý dự án QBSC cũng phải kiểm điểm trách nhiệm, gồm: ông Đào Chí Thanh, ông Trương Tấn Thắng, ông Ngô Viết Cường, ông Trương Quốc Đạt, ông Trần Tiến Dũng và bà Phan Thị Nga.
Bên cạnh đó, Sở Công thương và Sở Xây dựng phải tổ chức kiểm điểm đối với các thành viên Đoàn kiểm tra theo Quyết định 137 - những người có trách nhiệm phát hiện, xử lý sai phạm nhưng chưa thực hiện đầy đủ.
Theo báo cáo, nhiều điểm cấp điện trong dự án bị mất cắp tấm pin, cháy thiết bị, bỏ hoang, với tổng thiệt hại gần 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có xã nào hoàn tất điều tra xác minh hoặc chuyển vụ việc lên cấp có thẩm quyền.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) yêu cầu các xã mới thành lập gồm: Thượng Trạch, Trường Sơn, Dân Hóa, Kim Ngân, Phong Nha chỉ đạo công an xã khẩn trương vào cuộc, điều tra làm rõ các vụ mất trộm, cháy nổ thiết bị điện mặt trời. Nếu vượt thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ lên cấp trên để xử lý theo quy định.
Dự án 14 triệu USD có nguy cơ thành... phế liệu
Như Báo Người Lao Động phản ánh, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư 14 triệu USD để thực hiện dự án cung cấp điện năng lượng mặt trời, với mục tiêu cấp điện cho hơn 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, trụ sở công tại các xã vùng sâu, vùng xa. Đây được xem là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
Dự án được triển khai từ khoản vay ODA trị giá 12 triệu USD từ Chính phủ Hàn Quốc, phía Việt Nam đối ứng 1,7 triệu USD. Ban Quản lý dự án QBSC được thành lập cùng năm. Đơn vị tư vấn là liên danh do nhà thầu Dohwa đứng đầu, còn nhà thầu KT Corporation (Hàn Quốc) trúng thầu xây lắp.
Theo cam kết, dự án phải hoàn thành vào tháng 3-2015, nhưng thực tế liên tục trễ hẹn và mãi đến năm 2019 mới được bàn giao đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, chỉ sau vài tháng vận hành, nhiều hạng mục đã hư hỏng, không thể sử dụng. Một số điểm bị "đắp chiếu" gần 6 năm nay.
HOÀNG PHÚC