Theo đó, các bến cảng được quy hoạch kết hợp bến cảng khách gồm khu bến Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (cảng biển Hải Phòng), khu bến Cẩm Phả, Vạn Ninh, Vạn Gia, bến cảng Vân Đồn - Vạn Hoa (phía Đông Bắc đảo Cái Bầu) - cảng biển Quảng Ninh, khu bến Bắc Cửa Lò (cảng biển Nghệ An), khu bến Tiên Sa (cảng biển Đà Nẵng).
Cùng đó là các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa (cảng biển Quảng Nam), hai bến cảng Bến Đình và Sa Kỳ (cảng biển Quảng Ngãi), khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa (cảng biển Quy Nhơn), khu bến Sơn Mỹ và bến cảng Phú Quý (cảng biển Bình Thuận), khu bến trên sông Tiền.
Nhiều cảng biển được quy hoạch để kết hợp đón tàu khách (Ảnh minh họa).
Có 3 khu bến được quy hoạch để kết hợp bến khách quốc tế khi có yêu cầu gồm khu bến Bắc Cửa Lò, bến cảng Vân Đồn - Vạn Hoa.
Quy hoạch lưu ý các bến cảng hiện hữu được phép cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với quy mô, công năng, cỡ tàu, lộ trình theo quy hoạch liên quan và nhu cầu, điều kiện thực tế.
Diện tích vùng đất, vùng nước tại các cảng biển, khu bến, bến cảng sẽ được xác định cụ thể trong Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước của từng cảng biển.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, thời gian qua, nhiều tàu biển du lịch nước ngoài đã đưa hàng nghìn khách du lịch tới Việt Nam.
Thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2024, sản lượng hành khách thông qua các cảng biển Việt Nam đạt 7,7 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có cảng chuyên dụng, hầu hết các tàu biển du lịch quốc tế đều dùng chung với cảng tàu hàng khi tới Việt Nam.
Theo Cục Hàng hải VN, các tàu khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu dưới dạng quá cảnh, sau đó tiếp tục hành trình đi nước khác nên thời gian tham quan và lưu trú tại các cảng biển ở Việt Nam còn ngắn.
Các cảng đón khách tàu biển chủ yếu là cảng: Hòn Gai, Hải Phòng, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, Côn Đảo, Phú Quốc.
Hồ An