Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Hiện Việt Nam đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines), theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Với tốc độ này, logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả này cũng được thể hiện qua số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12, lấy chủ đề "Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" (Ảnh minh họa).
Cụ thể, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.
VLA cho hay: Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics nhờ hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp...
Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử.
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại – theo Statista).
"Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn", VLA nhận định.
Một động lực mới cho ngành logistics trong thời gian tới, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) là phát triển khu Thương mại tự do. Theo cục này, thời gian qua, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics.
Hiện tại Việt Nam chưa có khu thương mại tự do. Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua cơ chế thí điểm thành lập khu thương mại tự do, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
"Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, việc nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng, thành lập và phát triển mô hình các khu thương mại tự do nên được thực hiện sớm để tận dụng thời cơ, góp phần đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Năm nay, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 do Bộ Công thương phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cũng lấy chủ đề "Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics".
Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12/2024 tại Khách sạn The Grand Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hồng Hạnh