Nhiều cơ hội xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Nhiều cơ hội xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc
12 giờ trướcBài gốc
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Tống Giáp.
Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ Nội vụ) vừa có thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc trong ngành công nghiệp gốc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) năm 2025. Theo kế hoạch, năm 2025, phía Hàn Quốc sẽ tuyển chọn 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc trong ngành công nghiệp gốc (nghề hàn: 700 người; nghề khuôn mẫu: 300 người). Đối tượng là học sinh, sinh viên đang học tại trường được đào tạo từ hệ trung cấp trở lên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quân nhân, công an xuất ngũ từ năm 2024 trở lại đây, đã và đang sử dụng thẻ học nghề được Bộ Quốc phòng cấp khi xuất ngũ để học nghề hàn, nghề khuôn mẫu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành đóng tàu có hồ sơ đăng ký dự tuyển hết hạn nhưng không có nguyện vọng gia hạn hồ sơ theo ngành này và đã được đào tạo các nghề (các nghề thuộc danh mục ngành: Kỹ thuật Cơ khí và Cơ kỹ thuật; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng; Xây dựng) từ hệ trung cấp trở lên hoặc có kinh nghiệm làm việc đến nghề hàn, nghề khuôn mẫu. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chương trình đến hết ngày 13/4/2025.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động nếu trúng tuyển phải nộp chi phí khóa đào tạo nghề và tiếng Hàn (đã bao gồm chi phí thi sát hạch tay nghề), trong đó nghề hàn là từ 9 - 10 triệu đồng/người; với nghề khuôn mẫu từ 7 – 8 triệu đồng/người, Khoản chi phí đào tạo nghề, người lao động nộp trực tiếp cho đơn vị tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó là chi phí đào tạo tiếng Hàn 4,25 triệu đồng/người; lệ phí đăng ký dự thi tiếng Hàn tương đương với 28 USD theo quy định của phía Hàn Quốc.
Ngoài ra, người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn, được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng lao động sẽ phải nộp chi phí phái cử số tiền Việt Nam tương đương 630 USD, chi phí hành chính xin cấp visa 390.000 đồng, và ký quỹ 100 triệu đồng theo quy định chung đối với người lao động tham gia Chương trình EPS.
“Ngoài các khoản nêu trên, người lao động không phải phải nộp thêm bất cứ chi phí nào khác. Trung tâm Lao động ngoài nước không thu phí nộp hồ sơ dự tuyển. Vì vậy, người lao động cần cảnh giác trước các thông tin lừa đảo, thu các khoản tiền trái quy định; nộp hồ sơ trực tiếp, khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn của chương trình cho các cơ quan”, đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết.
Được biết, khi tham gia chương trình, người lao động sẽ được phía Hàn Quốc ưu tiên giới thiệu cho doanh nghiệp nước này trong ngành công nghiệp gốc lựa chọn. Song người lao động trúng tuyển không đảm bảo chắc chắn sẽ được sang Hàn Quốc làm việc. Trường hợp được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng lao động sẽ làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn tối đa là 3 năm. Kết thúc thời hạn 3 năm, nếu doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu sẽ được gia hạn tối đa 1 năm 10 tháng; có cơ hội tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.
Họ cũng được hưởng mức lương cơ bản (năm 2025 mức lương cơ bản của Hàn Quốc là 2.096.270 won/tháng, quy đổi theo tỷ giá hiện nay khoảng hơn 38 triệu đồng), được hưởng tiền lương làm thêm giờ, và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc.
Theo Bộ Nội vụ, Chương trình EPS được thực hiện theo Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay đã có hơn 140.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nhieu-co-hoi-xuat-khau-lao-dong-sang-han-quoc-10303040.html