Nhiều cơ sở giết mổ vi phạm luật, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh

Nhiều cơ sở giết mổ vi phạm luật, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh
12 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến chỉ đạo hội nghị
Người chăn nuôi chờ nhà nước hỗ trợ vắc xin
Tại hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 636 ổ DTLCP tại 30/34 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc bệnh là 42.349 con, số lợn chết buộc tiêu hủy là 43.375 con. Hiện nay còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Trong tháng 6 và tháng 7, dịch gia tăng ở Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ… Theo nhận định, dịch đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát triển và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
“Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh cho lợn thịt, nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Bên cạnh đó, hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi nghi có dấu hiệu mắc bệnh không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ, mà tìm cách bán tháo. Lợn chết thì vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng” - Ông Phan Quang Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, qua thực tế kiểm tra tại các địa phương thì việc xử phạt các vi phạm về vứt lợn chết ra môi trường không được kiểm tra, xử lý nghiêm, đâu đó vài trường hợp bị bắt, xử phạt nhưng không đáng kể.
Hiện nay, tình hình thời tiết bất thường và do ảnh hưởng bởi bão số 3, gây ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành phố, việc người dân thiếu ý thức vứt xác lợn chết do nhiễm bệnh xuống kênh, mương, sông…càng làm phát tán vi rút DTLCP.
Vi rút DTLCP khó tiêu diệt, sống lâu ngoài môi trường
Cũng theo chia sẻ của ông Phan Quang Minh, hiện nay, hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để, còn nhiều cơ sở giết mổ vi phạm luật, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh.
Lực lượng thú y địa phương, đặc biệt là cấp xã còn rất mỏng, địa bàn rộng nên công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch chưa được kịp thời.
Trong khi, vi rút DTLCP có sức đề kháng rất cao, rất khó tiêu diệt, và tồn tại lâu ngoài môi trường. Đường lây truyền của vi rút cũng rất đa dạng, lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khỏe, qua sản phẩm thịt, máu, phân…có nhiễm vi rút, qua động vật trung gian như ve mềm, ruồi, gián, qua loài gặm nhấm, qua thức ăn, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển.
Ông Minh cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam có 3 loại vắc xin DTLCP. Các doanh nghiệp đã cung ứng ra thị trường 7,8 triệu liều. Số lợn bị chết sau khi tiêm phòng (các trang trại lớn chủ động tiêm phòng) chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 0,1%. Nguyên nhân những con lợn này đã nhiễm vi rút thực địa từ trước, hoặc sức đề kháng giảm do mắc các bệnh do khuẩn Ecoli, PCV2.
Kết quả sử dụng vắc xin DTLCP của các địa phương thời gian qua cho thấy, vắc xin có hiệu lực và hiệu quả trong phòng dịch.
Còn hơn 18.000 cơ sở giết mổ không phép
Theo báo cáo của Cục chăn nuôi và thú y, cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Trong đó, 23 cơ sở giết mổ trâu, 207 cơ sở giết mổ lợn, 76 cơ sở giết mổ gia cầm…
Trong đó, 8 cơ sở giết mổ xuất khẩu do Cục chăn nuôi và thú y quản lý và kiểm soát. Còn lại là cơ sở giết mổ tiêu thụ nội địa.
Cả nước có 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó, hơn 9.000 cơ sở ký cam kết về quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Hơn 6.000 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có hơn 4.000 cơ sở có nhân viên thú ý thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định.
Hiện nay, còn hơn 18.000 cơ sở giết mổ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động.
Công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh còn chủ quan
Sau khi nghe các địa phương trình bày về tình hình dịch bệnh, những khó khăn vướng mắc và giải pháp ứng phó với DTLCP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói, so với với năm 2024, số lượng lợn mắc DTLCP không cao, nhưng mức độ lây lan, diện ảnh hưởng tương đối rộng, trong khi đó quản lý giết mổ còn nhiều vấn đề như sử dụng lợn bệnh làm thịt, vứt xác ra môi trường…
Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&MT yêu cầu các địa phương cần phải chủ động, quyết liệt trong phòng chống dịch. Trong thời gian tới, phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc chuyển đổi sang dây chuyền giết mổ công nghiệp hoặc bán công nghiệp bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
UBND cấp xã chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát và kiên quyết xử lý các cơ sở không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng Chăn nuôi và Thú y, Y tế, Công an, Quản lý thị trường... trong công tác quản lý hoạt động giết mổ...
V.H
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/nhieu-co-so-giet-mo-vi-pham-luat-van-thu-gom-giet-mo-gia-suc-mac-benh-post618449.antd