Đề nghị làm rõ hơn về khoản 3 Điều 15 về hoàn thuế giá trị gia tăng
Liên quan đến nội dung sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT tại dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT được nêu trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo - Các trường hợp hoàn thuế: "... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tiếp thì được hoàn thuế giá trị gia tăng".
Với quy định này, nếu doanh nghiệp chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT là 5% thì mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên thì không được hoàn thuế. Điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)
Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về vấn đề trên, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối với quy định tại khoản 3 Điều 15 dự thảo luật về hoàn thuế giá trị gia tăng. Đại biểu Ngọc cho rằng, theo quy định này, trường hợp các đơn vị sản xuất có cả hàng hóa chịu thuế suất 5% và hàng hóa khác chịu thuế suất 10%, thuế GTGT nguyên liệu đầu vào đều thuế suất 10%, doanh thu chủ yếu từ các mặt hàng chịu thuế suất 5%, doanh nghiệp sẽ không thể khấu trừ hết các số thuế GTGT nhiên liệu đầu vào 10% hằng năm và không được hoàn thuế. Theo đó, số thuế GTGT được khấu trừ tăng dần qua các năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm với đại biểu Ngọc, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 về hoàn thuế GTGT.
Theo đại biểu Mẫn, về bản chất, hoàn thuế GTGT trong trường hợp quy định như khoản 3 Điều 15 là hoàn thuế cho cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Trong khi đó, thuế GTGT đầu vào của chi phí có mặt hàng chịu thuế suất 10% nên lũy kế thuế GTGT liên tục có khấu trừ. Việc khống chế 5% để đảm bảo bản chất như đã nêu ở trên đảm bảo không giải quyết hoàn thuế cho hàng tồn kho. Quy định này tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất khác nhau. Do đó, đại biểu Mẫn đề nghị xem xét, sửa đổi lại để đảm bảo số thuế GTGT được hoàn không vượt quá 5% doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản nêu ở trên.
Áp dụng thuế suất 5% giúp bình ổn thị trường phân bón trong nước
Liên quan đến nội dung còn ý kiến khác nhau về chuyển phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%. Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%.
Có thể nói phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số một đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện nay đang chiếm 64% đến 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Thuế GTGT đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71 chuyển từ diện chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón, điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới hướng tới sản xuất xanh, bền vững, trong khi đó phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.
Đặc biệt, trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015-2020 trước thời điểm đại dịch Covid-19 giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ có nguy cơ dẫn đến phá sản.
Việc sửa đổi Luật thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư. Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho 3 nhà, nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.
Đại biểu Ngọc lấy ví dụ: Hiện nay, các nước trên thế giới đều áp dụng thuế GTGT đối với ngành phân bón như: Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế GTGT ở mức 11% với phân bón, đồng thời nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Tương tự, như Nga đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngành phân bón đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế GTGT như hiện hành, có thể thấy các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng hưởng lợi từ việc phân bón không chịu thuế GTGT tính từ thời điểm sửa đổi luật số 71. Đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước và ngành sản xuất này có thể bị thu hẹp dần và được thay thế bằng phân bón nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, vì phân bón là đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và chịu nhiều tác động của cung cầu thị trường trên thế giới”, Đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận sáng ngày 29/10
Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho hay, qua nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo và nội dung giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của cử tri là nông dân của doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan từ nhiều nguồn khác nhau. Cá nhân cho rằng, có thể yên tâm về sự thay đổi này so với luật hiện hành. Yên tâm rằng việc áp thuế 5% đối với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Đồng thời, các báo cáo đánh giá còn cho thấy năng lực sản xuất phân bón rất lớn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, tỷ trọng phân bón nhập khẩu so với sản xuất trong nước chỉ chiếm 27%, nếu áp dụng thuế suất 5%, nhập khẩu vào cũng chịu 5% và cũng chịu sự điều tiết chung với phân bón trong nước.
Bên cạnh đó, Đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng cho rằng, mặt hàng phân bón là mặt hàng thuộc diện chịu sự kiểm soát và bình ổn giá của Nhà nước. Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất, đồng thời phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước và về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.
Huy Tùng