Nhiều ĐBQH ủng hộ chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang

Nhiều ĐBQH ủng hộ chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang
một ngày trướcBài gốc
Sáng 13/11, báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 kết quả thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) cho biết, nhiều ý kiến ủng hộ việc có chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).
Thay mặt các cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị Chính phủ tính toán lộ trình triển khai, chỉ thực hiện thí điểm tại một số địa phương cụ thể, sau đó tổng kết, đánh giá trước khi đề xuất triển khai đồng bộ tại tất cả các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Điều 2), nhiều ý kiến cho rằng quy định về các loại đất được thực hiện thí điểm quá rộng, trong đó bao gồm cả đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (QPAN), đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo….
Do đó, UBKT đề nghị cân nhắc đối với đất chuyên trồng lúa và đất rừng, trong đó nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm không chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất QPAN với diện tích lớn.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Nghị quyết
UBKT cũng đề nghị làm rõ hơn quy định “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chấp thuận cho phép tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh” do đất QPAN có quy hoạch hết sức nghiêm ngặt. “Quy định như dự thảo Nghị quyết dẫn đến có cách hiểu là cho phép được chuyển nhượng đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án nhà ở thương mại”- Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nhìn nhận.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, quy định tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết chưa bảo đảm hài hòa về chính sách nhà ở áp dụng cho cán bộ, công chức... trong hệ thống chính trị, nhất là quy định về phần diện tích nhà, đất còn lại (nếu có) được bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng khách hàng khác có nhu cầu theo quy định của pháp luật; Khoản 3 Điều 83 của Luật Đất đai quy định về việc sắp xếp, xử lý tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất không phải là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, do đó việc quy định như vậy đối với tài sản công là chưa phù hợp.
Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất
Chủ nhiệm UBKT cũng thông tin, có một số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Nghị quyết do nội dung này đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền; việc thực hiện dự án nhà ở cho LLVTND trong thực tế còn gặp nhiều vướng mắc, nhu cầu về nhà ở của lực lượng này rất lớn, bên cạnh đó, Nghị quyết thí điểm được thực hiện trong thời gian 5 năm nên ở thời điểm này, cơ bản nhất trí với quy định thí điểm của dự thảo Nghị quyết.., tuy nhiên, đơn vị được giao thực hiện dự án nhà ở thương mại này phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản… theo đúng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Về tiêu chí lựa chọn dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, UBKT đề nghị làm rõ cơ sở của việc đưa ra tiêu chí không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch; làm rõ 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) có bao gồm diện tích đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đã được quy định trong Luật Đất đai.
Làm rõ nguyên tắc thực hiện đối với trường hợp có nhiều dự án đề nghị thực hiện thí điểm, đặc biệt là tại một số địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc, như TP Hà Nội, TPHCM; nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án thí điểm.
Đa số ý kiến của UBKT đã tán thành với thời gian thực hiện thí điểm của Nghị quyết là 5 năm; đồng thời kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này để bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Thanh Hòa
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/nhieu-dbqh-ung-ho-chinh-sach-nha-o-cho-luc-luong-vu-trang_169945.html