Nhiều địa phương đề xuất phát triển điện tái tạo

Nhiều địa phương đề xuất phát triển điện tái tạo
7 giờ trướcBài gốc
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Đức Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, đối với tỉnh miền núi biên giới như Điện Biên yêu cầu đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn đến năm 2025 và 2030 rất khó khăn do dư địa phát triển và tiềm năng thu hút đầu tư hạn chế.
Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đề xuất nghiên cứu các dự phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, và đây là cơ hội để Điện Biên thu hút đầu tư, góp phần nâng cao tăng trưởng.
Theo ông Phạm Đức Toàn, thống nhất với quan điểm ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện gió, điện mặt trời trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, tỉnh Điện Biên đã rà soát bổ sung quy hoạch danh mục các dự án lưới điện truyền tải, trạm biến áp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, rà soát bổ sung trong quy hoạch đảm bảo đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện truyền tải đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn.
Ông Huỳnh Chí Nguyện- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung thêm trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh 1.000MW điện gió và 500MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000MW điện gió và 6.000MW điện mặt trời.
Theo ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, thời gian qua, một số nhà đầu tư đến Đăk Lăk đề xuất khai thác công suất điện gió và điện mặt trời, các nhà đầu tư xin đầu tư hệ thống lưu trữ, nhưng hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thì chưa có, nên mong Bộ Công Thương quan tâm vấn đề này, sớm có các văn bản ban hành để có cơ sở pháp lý triển khai dự án.
Chi tiết về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại từng địa phương là một trong những nội dung khuyến nghị của các chuyên gia được đưa ra tại hội thảo "Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII) và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược" do Bộ Công Thương tổ chức cách đây 1 tuần. Tại hội thảo này, các chuyên gia cũng cho rằng cần các phương án dự phòng cho điện gió và điện mặt trời, nhằm đối phó với sự bất ổn định của các nguồn năng lượng này.
Ông Nguyễn Văn Dương- nghiên cứu viên Phòng Phát triển Hệ thống Điện (Viện Năng lượng) cho rằng, một trong những vấn đề trọng tâm là cập nhật chi tiết tiềm năng năng lượng tái tạo tại từng địa phương nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia. Đồng thời, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các phương án dự phòng cho điện gió và điện mặt trời, nhằm đối phó với sự bất ổn định của các nguồn năng lượng này.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, thực tế vận hành hệ thống điện năm 2023 cho thấy, dù công suất lắp đặt cao hơn nhu cầu khoảng 1,5 lần, miền Bắc vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ. Trong tương lai, khi tỷ trọng điện gió và điện mặt trời tăng lên 60-70% tổng công suất, việc bổ sung dự phòng sẽ trở nên cấp thiết để đảm bảo an ninh năng lượng.
Nghiên cứu của Viện Năng lượng cho thấy, cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có sự chuyển dịch đáng kể. Trước năm 2010, hệ thống điện phụ thuộc vào nhiệt điện than, thủy điện và tua-bin khí. Đến giai đoạn 2011-2019, điện than tiếp tục được mở rộng.
Hiện tại, với định hướng không phát triển thêm nhiệt điện than mới và thủy điện gần như đã khai thác hết tiềm năng, cơ cấu nguồn điện đang dần chuyển sang năng lượng tái tạo, với tua-bin khí đóng vai trò trung gian nhờ phát thải thấp và khả năng vận hành linh hoạt.
Năm 2024, tổng công suất hệ thống điện đạt khoảng 80 GW, sản lượng điện vượt 300 tỷ kWh. Tuy nhiên, một số nguồn điện quan trọng như điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng mới chỉ đạt 19-62% kế hoạch đề ra, làm giảm khả năng dự phòng trong ngắn hạn và đặt ra nhiều thách thức.
Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Viện Năng lượng đưa ra các kịch bản phát triển điện năng của Việt Nam, trong đó tập trung vào hai phương án chính: tận dụng đất chưa sử dụng và chuyển đổi một phần đất rừng sản xuất để phát triển điện mặt trời. Theo đó, tổng tiềm năng điện mặt trời theo kịch bản cơ sở đạt khoảng 295.000 MW, trong khi kịch bản cao ước tính lên tới 576.000 MW.
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), với năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng chủ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Ban soạn thảo, đặc biệt là cơ quan chủ trì Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Điện lực trình trước thời hạn, tốt nhất trong ngày 25-2.
Theo Phó Thủ tướng, việc lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo đúng quan điểm mục tiêu nguyên tắc của quá trình lập quy hoạch được nêu tại Quyết định 1710, ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tầm nhìn dài hạn, có hiệu quả bền vững, trong đó đặt tổng thể lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Khai thác hết tiềm năng của các địa phương nhưng phải đảm bảo sự tối ưu của tổng thể các yếu tố và lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ lưỡng việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng để tăng khả năng mua điện từ Lào. Đồng thời thực hiện mục tiêu net zero, trung carbon đến năm 2050.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Viện Năng lượng phân tích và làm rõ các giải pháp đảm bảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có tính khả thi cao nhất, nhất là giải quyết tình huống thiếu nguồn điện từ nay đến 2030, trực tiếp là giai đoạn 2026-2028 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 ngày 3/1/2025.
Trong đó tính toán ưu tiên phát triển nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh đưa vào ứng dụng cho sản xuất, tiêu thụ, chú ý các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước, điện sinh khối, điện rác... nhưng phải theo chuẩn kỹ thuật. Đồng thời phải tính toán phát triển các nguồn linh hoạt khác như: pin lưu trữ, nhập khẩu điện… đảm bảo yêu cầu cao nhất về đảm bảo nguồn năng lượng cho quốc gia.
Hà Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/nhieu-dia-phuong-de-xuat-phat-trien-dien-tai-tao-post604247.antd