Ảnh minh họa
Tuy nỗ lực này nhằm giải quyết vấn đề cấp bách, nhưng nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng các khoản tiền thưởng một lần khó có thể tháo gỡ những rào cản sâu xa dẫn đến tình trạng kết hôn chậm trễ hay giảm sút.
Tại quận Saha, Busan, chính quyền địa phương cam kết chi trả lên đến 20 triệu won (khoảng 350 triệu đồng) cho các cặp đôi kết hôn sau khi tham gia sự kiện mai mối do quận tổ chức.
Ngoài ra, các cặp đôi còn nhận thêm 500.000 won hỗ trợ chi phí hẹn hò, 1 triệu won cho lễ đính hôn và 10 triệu won trợ cấp đi lại.
“Chính sách này là một phần trong chiến lược dân số nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh thấp và suy giảm dân số trong khu vực,” một quan chức quận Saha cho biết, đồng thời tiết lộ đến nay vẫn chưa có cặp đôi nào nhận đủ toàn bộ khoản hỗ trợ.
Không chỉ riêng Busan, nhiều thành phố và quận huyện khác trên khắp Hàn Quốc cũng đang triển khai các sáng kiến tương tự.
Tại Quận Geochang, tỉnh Nam Gyeongsang, các cặp đôi trẻ từ 19 đến 45 tuổi sống tại đây hơn ba tháng sẽ nhận được 600.000 won mỗi năm trong ba năm.
Huyện Hadong đã tăng tiền thưởng kết hôn từ 5 triệu lên 6 triệu won, trong khi một số địa phương khác như Goseong, Uiryeong và Miryang cũng cung cấp trợ cấp từ 1 đến 2 triệu won.
Không chỉ tập trung ở vùng nông thôn, Seoul, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước (0,58 trẻ trên một phụ nữ), cũng dự kiến triển khai “quỹ khởi nghiệp hôn nhân” trị giá 1 triệu won dành cho các cặp đôi đăng ký kết hôn, bắt đầu từ tháng 10 tới. Tỉnh Gyeonggi cũng có kế hoạch hỗ trợ tương tự cho các cặp đôi trẻ từ 19 đến 39 tuổi.
Ở một số nơi, mức ưu đãi còn hào phóng hơn, như Quận Sunchang, tỉnh Jeolla Bắc, hỗ trợ 10 triệu won tiền địa phương trong vòng bốn năm cho các cặp vợ chồng mới cưới cư trú ít nhất một năm.
Các thành phố Gimje và Quận Jangsu cũng duy trì các chương trình tương tự từ những năm 2018–2020, bên cạnh Quận Hwasun và Quận Yeongdong với các khoản hỗ trợ kéo dài năm năm.
Tuy nhiên, liệu những khoản tiền thưởng này có thực sự tạo được hiệu quả? Dù số chương trình ngày càng nhiều, hiệu quả thực tế vẫn chưa rõ ràng.
Tại thành phố Jinju, tỉnh Gyeongsang Nam, hơn 4.000 cặp đôi đã nhận trợ cấp kết hôn 500.000 won kể từ năm 2021, song tỷ lệ kết hôn nhìn chung vẫn không có sự thay đổi đáng kể.
Tại huyện Jangsu, nơi áp dụng chương trình khuyến khích trị giá 10 triệu won trong tám năm, tỷ lệ kết hôn thậm chí còn giảm, chỉ ngoại trừ một vài thời điểm tăng nhẹ trong hai năm gần đây.
“Liệu có ai kết hôn chỉ vì tiền thưởng không?” một công chức chính quyền địa phương đặt câu hỏi và nói thêm: “Dù sao thì làm gì đó cũng tốt hơn là không làm gì.”
Các chuyên gia kinh tế nhận định những ưu đãi tài chính này có thể lặp lại sai lầm của các chính sách trợ cấp sinh nở trước đây, vốn không thể đảo ngược xu hướng tỷ lệ sinh giảm dù đã chi nhiều năm cho tiền thưởng sinh con, trợ cấp nuôi con và phiếu chăm sóc trẻ em.
“Chính sách cần tập trung tạo ra môi trường giúp cân bằng giữa công việc và gia đình, đồng thời giảm bớt gánh nặng nhà ở,” Giáo sư Hong Suk-chul của Đại học Quốc gia Seoul nhận định.
Ông cũng cảnh báo các ưu đãi tiền mặt hiện tại, được triển khai gấp gáp và cạnh tranh giữa các địa phương, đang làm méo mó bối cảnh chính sách và cần được tái cấu trúc để phát huy hiệu quả hơn.
Theo Korea Times
N.THANH