Nhiều điểm mới trong quy định kê đơn thuốc ngoại trú: Hướng đến thuận tiện, an toàn và hiệu quả

Nhiều điểm mới trong quy định kê đơn thuốc ngoại trú: Hướng đến thuận tiện, an toàn và hiệu quả
4 giờ trướcBài gốc
Kê đơn tối đa 90 ngày cho 252 bệnh, nhóm bệnh
Một điểm đáng chú ý là Thông tư ban hành Danh mục 252 bệnh, nhóm bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú với thời gian sử dụng trên 30 ngày. Theo đó, tùy tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của người bệnh, bác sĩ có thể kê đơn với thời gian sử dụng tối đa không quá 90 ngày cho mỗi loại thuốc – kể cả khi các tài liệu chuyên môn như hướng dẫn sử dụng thuốc, dược thư quốc gia... không nêu rõ thời gian dùng thuốc cụ thể.
Bổ sung trường thông tin định danh cá nhân
Thực hiện chủ trương liên thông dữ liệu công dân, Thông tư yêu cầu bổ sung thông tin định danh trong đơn thuốc: Số định danh cá nhân/số căn cước công dân/số hộ chiếu của người bệnh. Với công dân Việt Nam đã có số định danh cá nhân, bác sĩ không cần ghi thêm các thông tin như giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú.
Bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, đơn thuốc phải ghi rõ: Số lượng thuốc dùng mỗi lần, số lần dùng trong ngày và số ngày dùng thuốc – giúp việc theo dõi và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả hơn.
Điều chỉnh quy định kê đơn với người bệnh khám nhiều chuyên khoa
Trường hợp người bệnh khám nhiều chuyên khoa trong một lượt khám, cơ sở khám chữa bệnh sẽ quyết định chỉ định người kê đơn để đảm bảo chỉ có một đơn thuốc tổng hợp duy nhất. Quy định này giúp tránh trùng lặp, tương tác thuốc không mong muốn, nâng cao tính hợp lý và hiệu quả của điều trị.
Bỏ mẫu sổ khám bệnh, tăng cường quản lý hồ sơ điện tử
Thông tư cũng bỏ mẫu sổ khám bệnh trước đây, thay vào đó, mọi kê đơn đều được ghi nhận trong đơn thuốc và lưu trữ, quản lý qua hồ sơ bệnh án. Việc này phù hợp với định hướng số hóa, giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Phù hợp với luật mới về y tế và dược
Các nội dung trong Thông tư 26/2025/TT-BYT cũng được cập nhật để tương thích với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Luật Dược sửa đổi, bổ sung năm 2024. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu kê đơn đúng mục đích, an toàn, hợp lý, chỉ kê thuốc khi thực sự cần thiết, phù hợp với chẩn đoán và tình trạng bệnh. Thông tư cũng quy định việc xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất khi người bệnh không dùng hết hoặc đã tử vong.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2025, thay thế Thông tư số 52/2017/TT-BYT. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng điều trị ngoại trú, hướng đến hệ thống y tế hiện đại, minh bạch và lấy người bệnh làm trung tâm.
Minh Lý
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/nhieu-diem-moi-trong-quy-dinh-ke-don-thuoc-ngoai-tru-huong-den-thuan-tien-an-toan-va-hieu-qua-484783.html