Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lãi đậm năm 2024, riêng HAGL phải dựa vào 'cứu cánh' từ mảng trái cây

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lãi đậm năm 2024, riêng HAGL phải dựa vào 'cứu cánh' từ mảng trái cây
7 giờ trướcBài gốc
Bước qua giai đoạn 2022-2023 khi ngành chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều thách thức do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán lợn hơi biến động mạnh; sang năm 2024, bức tranh toàn ngành ghi nhận những biến động tích cực về giá cả và chi phí sản xuất. Giá heo hơi xuất chuồng có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt từ giữa năm trở đi.
Thống kê từ các đơn vị chuyên môn, vào tháng 6, giá heo hơi đạt đỉnh trên 70.000 đồng/kg, sau đó giảm nhẹ xuống 64.000-66.000 đồng/kg trong tháng 7 và 8. Đến tháng 9, giá tăng trở lại thêm 2.000-3.000 đồng/kg, và trong các tháng cuối năm, giá dao động từ 59.000-65.000 đồng/kg tại các trang trại công ty, trong khi khu vực tư nhân ghi nhận mức giá 58.000-62.000 đồng/kg. Đến cuối năm, giá bình quân tại trại khu vực tư nhân trên cả nước dao động từ 65.000-67.000 đồng/kg, với các công ty lớn có mức giá cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg.
Giá heo cải thiện cùng với giá thức ăn chăn nuôi giảm là nguyên nhân chính thúc đẩy lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng niềm vui này.
Loạt doanh nghiệp chăn nuôi 'phất' nhờ giá heo tăng
Vượt 53% mục tiêu doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) đã trở lại mức lãi trăm tỷ trong năm 2024. Theo đó, tập đoàn này ghi nhận hơn 13.573 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so với năm 2023, lãi sau thuế tăng gấp gần 31 lần, đạt 769 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tập đoàn này có gần 772 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh trên, ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cho biết, trong quý cuối năm, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu ổn định. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi tăng. Giá heo hơi duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm kết hợp với việc các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn làm tốt công tác an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên mức lãi này thấp hơn so với giai đoạn 2020 - 2022 của Dabaco.
Ngoài kết quả lợi nhuận hồi phục, biên lãi gộp của mảng hoạt động chính của tập đoàn cũng cải thiện từ 9,9% năm 2023 lên hơn 14% trong năm 2024.
TạiCTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã: BAF), mức lãi 109 tỷ đồng trong quý IV/2024 (trong khi cùng kỳ 2023 thua lỗ hơn 29 tỷ) đã giúp doanh nghiệp ghi nhận mức lãi năm 2024 tăng gấp 11 lần so với năm 2023. Cụ thể, cả năm 2024, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.554 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 324 tỷ đồng, tăng 969% so với năm 2023.
Trong năm 2024, BaF Việt Nam lên kế hoạch tham vọng với doanh thu thuần đạt 5.544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 306 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,6% và 893,2%, so với năm 2023. Như vậy, kết thúc năm 2024, BaF Việt Nam đã vượt mức kế hoạch doanh thu và kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra.
Công ty cho biết, kết quả tăng trưởng nổi bật này chủ yếu nhờ thị trường giá heo năm 2024 tăng mạnh, duy trì ở mức trên 60.000 đồng/kg và tiệm cận 70.000 đồng/kg. Sản lượng heo cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận. Giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm 2024 cũng giảm so với trước, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả chăn nuôi.
Cũng theo BAF, chênh lệch lợi nhuận lũy kế 12 tháng một phần đã được giải thích trong quý I từ khoản lợi nhuận đáng kể đã được ghi nhận từ việc bán lô đất Mai Chí Thọ. Khu đất này ban đầu được dự định để phát triển tòa nhà văn phòng mới của BAF. Tuy nhiên, với việc công ty chuyển đến địa điểm hiện tại phù hợp hơn vào năm 2023, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, việc giữ lại tài sản được cho là không cần thiết, công ty đã quyết định chuyển nhượng để tập trung nguồn lực vào kinh doanh chăn nuôi cốt lõi.
Một doanh nghiệp khác có sự khởi sắc mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh là CTCP Masan MeatLife (mã: MML). Sau hai năm liên tục thua lỗ trăm tỷ, năm 2024 công ty đã chính thức có lãi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, nhờ tăng trưởng ở mảng thịt ủ mát MEATDeli và thịt chế biến, công ty đã có nhiều kết quả tích cực trong quý IV, nhờ đó chuyển từ lỗ 540 tỷ đồng sang lãi 25 tỷ đồng năm 2024. Dù vậy tính đến hết tháng 12/2024, công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 1.041 tỷ đồng.
Trong năm qua, Masan MEATLife đang thực hiện tái cấu trúc mảng trang trại để chuyển trọng tâm sang hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng.
TạiCTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã VSN), ngay từ cuộc họp ĐHĐCĐ 2024, lãnh đạo doanh nghiệp đã nhận định năm 2024 kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm, áp lực về lãi suất, tỷ giá, lạm phát tăng, sức mua giảm vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Cùng đó, đối thủ cạnh tranh với tiềm lực tài chính mạnh, ưu thế nguồn nguyên liệu, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng để giành thị phần, dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt...
Tuy nhiên, Vissan đã kiểm soát tốt các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí bán hàng nên lợi nhuận quý IV và cả năm 2024 đều tăng trưởng nhẹ. Lũy kế 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm 6% về 3.137 tỷ đồng. Nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động nên lợi nhuận sau thuế nhích nhẹ 3% lên 111 tỷ đồng.
Riêng trong quý IV, doanh nghiệp có doanh thu thuần tăng 1% và lợi nhuận sau thuế tăng 10%.
Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG)chính thức bước vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015, với chiến lược “tự chủ từ con giống, thức ăn đến chăn nuôi”. Hiện nay, tập đoàn sở hữu hai nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên và Đồng Nai, cung cấp sản phẩm cho hệ thống chăn nuôi nội bộ và thị trường.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, CEO Hòa Phát từng đề cập đến tiềm năng của mảng nông nghiệp: "Trứng gà chúng tôi bán chỉ 1.200-1.300 đồng/quả. Năm nay (2024), ngành thịt heo sẽ có giá tốt, tỷ trọng tương đối lớn nên ngành nông nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn năm ngoái".
Và dự báo này đã chính xác, khi mảng nông nghiệp của Hòa Phát năm qua ghi nhận doanh thu 7.081 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.038 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2023. Dù thép vẫn là trụ cột kinh doanh, nhưng mảng nông nghiệp của Hòa Phát đã không còn là “mảng phụ” như nhiều năm trước, với tỷ trọng 5% doanh thu và 8% lợi nhuận tập đoàn trong năm 2024.
Trái ngược với bức tranh tươi sáng của ngành, tại Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), 2024 dường như là một năm buồn với mảng chăn nuôi.i
Trong quý cuối cùng của năm 2024, HAG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, trong khi giá vốn giảm mạnh 28%. Điều này giúp lãi gộp của công ty tăng gấp 4 lần, đạt 587 tỷ đồng. Tuy nhiên, mảng chăn nuôi heo tiếp tục gặp khó khăn khi doanh thu giảm 66%, chỉ còn 159 tỷ đồng, lợi nhuận gộp âm 48 tỷ.
Kể từ khi có doanh thu từ bán heo (quý IV/2020), đây là quý thứ hai HAGL thua lỗ từ mảng này (cùng với quý IV/2022). Lũy kế cả năm, mảng chăn nuôi heo của HAGL mang lại doanh thu 1.004 tỷ đồng, giảm tới 960 tỷ đồng so với năm 2023. Trừ đi chi phí, lãi gộp mảng này chỉ đạt 92 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng "cứu cánh" cho hoạt động kinh doanh chính của HAGL trong quý cuối năm là nhờ nguồn thu từ trái cây (chủ lực là chuối và sầu riêng) với doanh thu gần 1.350 tỷ, gấp 1,8 lần cùng kỳ và ghi nhận biên lãi gộp tới 43,3%.
Kết quả quý IV, doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi sau thuế 205 tỷ, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2023 do quý IV/2023 HAGL ghi nhận chi phí tài chính dương nhờ khoản lãi vay được miễn giảm hơn 1.420 tỷ.
Lũy kế năm 2024, HAGL đạt 5.694 tỷ doanh thu thuần, 1.057 tỷ lãi sau thuế; giảm lần lượt 12% và 41% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.010 tỷ cả năm, bằng 61% cùng kỳ.
Giá heo hơi sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2025
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam xếp thứ 4 về tiêu thụ thịt lợn, ước tính sản lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người xấp xỉ 37 kg/người năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024 – 2026 khoảng 3,8%/năm.
Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (OECD – FAO) cũng cho biết, giai đoạn 2025 – 2033, nhu cầu tiêu thụ protein từ thịt bò nhìn chung sẽ giảm dần và được thay thế bằng thịt gia cầm, trong khi nhu cầu tiêu thụ protein từ thịt lợn sẽ vẫn tăng nhẹ đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam dự báo khoảng 3,9 triệu tấn vào năm 2025, tăng 3,3% so với năm trước và đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Luật chăn nuôi năm 2018, có hiệu lực từ năm 2020, nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Các địa phương có 5 năm chuẩn bị, hạn chót đến ngày 1/1/2025, buộc phải di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Quy định này sẽ khiến một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phải ngừng hoạt động nếu không thể di dời, làm nguồn cung bị thu hẹp, nhưng đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn mở rộng thị phần. Dù vậy, đây cũng là một trong những yếu tố dự báo giá heo hơi sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm 2025 và thời gian tới.
Khảo sát tại các chợ dân sinh khu vực miền Bắc những ngày đầu năm 2025, giá heo bán lẻ ở mức 130.000-150.000 đồng/kg, tăng 30-40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng heo còn trong dân đang rất ít, các thương lái muốn mua phải ra các khu vực xa nội thành, dẫn đến giá hơi tiếp tục neo ở mức cao.
Về phía doanh nghiệp, đại diện BAF cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh và Luật chăn nuôi sẽ tiếp tục khiến nguồn cung heo bị giới hạn. “Nhiều đơn vị nhập đàn heo cụ, kỵ về vào đầu năm 2024, mà để ra heo thương phẩm phải mất 2,5 - 3 năm, đồng nghĩa họ sẽ chưa thể tham gia thị trường quá mạnh trong năm tới. Cơ bản, trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung sẽ bị thiếu”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF chia sẻ với truyền thông hồi đầu năm 2024.
Rủi ro lớn nhất hiện tại là giá heo trong nước đang có độ chênh khá lớn với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… dao động quanh 13.000 – 14.000 đồng/kg, qua đó làm tăng rủi ro nhập lậu.
Các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán MB (MBS), chu kỳ tăng giá thịt heo là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận ròng giai đoạn 2024 - 2026 của các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, giá heo hơi sẽ duy trì ở mức nền cao cho đến giữa năm 2025 trước khi giảm nhẹ và duy trì trong năm 2026 khi nguồn cung dần ổn định trở lại.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/nhieu-doanh-nghiep-chan-nuoi-lai-dam-nam-2024-rieng-hagl-phai-dua-vao-cuu-canh-tu-mang-trai-cay.html