Nhiều doanh nghiệp không muốn lên sàn chứng khoán

Nhiều doanh nghiệp không muốn lên sàn chứng khoán
4 ngày trướcBài gốc
Lên sàn chứng khoán là một cột mốc quan trọng giúp doanh nghiệp huy động vốn, nâng cao uy tín và mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc niêm yết trên sàn.
Một trong những trở ngại đầu tiên đối với doanh nghiệp trước khi niêm yết là việc chuẩn bị hồ sơ phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và nguồn lực. Sau đó, quá trình niêm yết còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định khác như công bố thông tin, kiểm toán độc lập...
Ông Võ Duy Khánh, Tổng Giám đốc CTCP DAT Holdings Việt Nam, cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và đã hoạt động được 8 năm. Tôi thấy việc niêm yết giúp dễ dàng tiếp cận thị trường với hàng triệu nhà đầu tư, thay vì phải vay vốn ngân hàng hay huy động từ bạn bè, người thân. Tuy nhiên, dù đã nghiên cứu, tôi vẫn ngần ngại vì khi niêm yết sẽ phải chịu ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục".
Không những vậy, sau khi niêm yết, giá cổ phiếu sẽ biến động liên tục theo thị trường, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như tin đồn, tâm lý nhà đầu tư hoặc biến động kinh tế. Điều này tạo ra nhiều áp lực ngầm đè nặng lên doanh nghiệp.
Ông Đặng Ngọc Long, Giám đốc Tài chính CTCP Đầu tư Bất Động Sản FunHome, cho hay: "Tôi có hai điểm lo ngại. Thứ nhất, cổ phiếu công ty có thể bị định giá thấp hơn giá trị thực, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cổ đông cũ. Thứ hai, việc giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp muốn niêm yết cần chuẩn bị kỹ về tài chính. Đồng thời, nên cân nhắc niêm yết từng phần thay vì toàn bộ để dễ kiểm soát hơn.
Anh Đào Minh Trí, Chuyên gia phân tích - Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chia sẻ: "Theo tôi, trước khi lên sàn, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống tài chính minh bạch. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng quản trị theo chuẩn quốc tế sẽ giúp công ty vận hành hiệu quả hơn sau khi niêm yết. Doanh nghiệp cũng nên chọn thời điểm thị trường thuận lợi và khi công ty đã có sự tăng trưởng ổn định để niêm yết".
Dù việc lên sàn chứng khoán mang lại nhiều lợi ích, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đối mặt với các thách thức. Việc niêm yết đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, quản trị, chiến lược phát triển bền vững và khả năng thích nghi với áp lực thị trường. Nếu làm tốt, đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp doanh nghiệp bứt phá, mở rộng quy mô và khẳng định vị thế trên thị trường.
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nhieu-doanh-nghiep-khong-muon-len-san-chung-khoan-317441.htm