Nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình trạng từ lãi sang lỗ sau kiểm toán
Sau khi công bố báo cáo tài chính năm 2024, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bất ngờ ghi nhận tình trạng lỗ lớn và giảm lãi so với trước kiểm toán. Điển hình nhất là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận đạt 423 tỷ đồng, giảm 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong các cổ đông về khả năng phục hồi và kế hoạch phát triển của công ty trong tương lai.
KBC lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận đạt 423 tỷ đồng, giảm 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do lợi nhuận từ các công ty liên kết giảm mạnh, dẫn đến việc điều chỉnh khoản "Phần lãi/(lỗ) từ công ty liên kết" trong báo cáo kết quả kinh doanh. So với năm 2023, lợi nhuận sau thuế năm 2024 của KBC giảm tới 81%, từ 2.245 tỷ đồng xuống còn 423 tỷ đồng. Công ty cho biết lý do là chưa ghi nhận đầy đủ doanh thu từ các hợp đồng cho thuê đất đã ký kết. Đối với công ty mẹ, lợi nhuận chỉ đạt 14,4 tỷ đồng, giảm tới 98% chủ yếu do doanh thu từ khu công nghiệp giảm sút.
Công ty cũng tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 vào ngày 6/3/2025 để thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng - gấp 3 lần so với năm 2024, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng - cao gấp 7 lần so với thực hiện trong năm trước. Bên cạnh đó, KBC đã gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 trước ngày 30/6/2025, với lý do các kế hoạch quan trọng đã được thông qua trong ĐHĐCĐ bất thường.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do lợi nhuận từ các công ty liên kết với KBC giảm mạnh.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 cho thấy doanh thu không đổi nhưng lãi trước thuế giảm 307 tỷ đồng, tương đương giảm 35% so với báo cáo tự lập. Cụ thể, Hà Đô ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 573 tỷ đồng, thay vì 880 tỷ đồng như công bố trước đó, trong khi lợi nhuận ròng chỉ còn 348 tỷ đồng.
Sự giảm sút này chủ yếu là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 93 tỷ đồng và chi phí khác tăng 223 tỷ đồng, trong đó có 209 tỷ đồng là dự phòng ngắn hạn. Đặc biệt, kiểm toán đã chỉ ra một số vấn đề quan trọng, trong đó có các dự án điện mặt trời của Hà Đô đang trong quá trình rà soát điều kiện bán điện theo cơ chế giá khuyến khích từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có thể ảnh hưởng đến doanh thu tương lai.
Tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, HDG chưa nhận được kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng đối với các vấn đề đã nêu. Dựa trên tình trạng pháp lý của dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4 tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - thuộc sở hữu của Công ty Hà Đô Bình Thuận, công ty đã tạm ước tính tác động của việc này đến doanh thu bán điện để ghi nhận dự phòng trên báo cáo tài chính.
Lỗ càng thêm lỗ
Ngoài việc nhiều doanh nghiệp bị giảm lãi sau kiểm toán, một số công ty khác còn ghi nhận lỗ sâu hơn so với các khoản lỗ đã công bố trước đó. Trong số đó, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) là một ví dụ tiêu biểu, với khoản lỗ sau thuế gần 305 tỷ đồng, tăng thêm gần 17 tỷ đồng so với báo cáo trước kiểm toán. Đây là năm thua lỗ nặng thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty, chỉ sau mức lỗ 890 tỷ đồng vào năm 2021.
TDH là một ví dụ tiêu biểu, với khoản lỗ sau thuế gần 305 tỷ đồng, tăng thêm gần 17 tỷ đồng so với báo cáo trước kiểm toán.
Tính đến cuối năm 2024, TDH đã gánh lỗ lũy kế hơn 1.056 tỷ đồng, làm tổn hại vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 70 tỷ đồng so với 376 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế của báo cáo tài chính kiểm toán 2024, công ty cho biết sự chênh lệch chủ yếu do sau kiểm toán, công ty đã trích thêm 16 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi và 864 triệu đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Ngoài ra, TDH cũng ghi nhận khoản hoàn nhập doanh thu chưa thực hiện 232 triệu đồng, nhờ đó doanh thu sau kiểm toán đạt gần 49 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, trong báo cáo tài chính hợp nhất 2024 đã được kiểm toán, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh tới các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty. Đến cuối năm 2024, TDH lỗ lũy kế hơn 1.056 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới hơn 263 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Tp.HCM (nay là Chi cục Thuế khu vực II) cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế đối với TDH bằng các biện pháp như ngừng sử dụng hóa đơn và dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện công ty đang trong quá trình kiện tụng liên quan đến quyết định cưỡng chế thi hành về quản lý thuế và cam kết sẽ công bố thông tin khi có kết luận từ cơ quan Nhà nước.
Tiếp đến là Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) cũng ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến hơn 137 tỷ đồng, gấp đôi so với mức lỗ hơn 63 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó. Cụ thể, trong báo cáo tài chính kiểm toán, chi phí quản lý đã tăng 40%, lên gần 82 tỷ đồng do khoản chi phí dự phòng từ gần 36 tỷ đồng tăng lên hơn 56 tỷ đồng. Công ty cũng không còn ghi nhận khoản lãi khác 47 tỷ đồng mà thay vào đó là khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng.
Thêm vào đó, còn có khoản lỗ khác phát sinh từ chi phí tổn thất dự án Bình Đăng (Saigon Metro Mall) sau kiểm toán, dự án này là do NRC mua lại từ CTCP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 (SG5). Tuy nhiên, công trình hiện đang tạm ngưng vì SG5 chưa xin được giấy phép xây dựng phần thân dự án. Hai bên đã ký biên bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng mua bán dự án, trong đó SG5 cam kết thanh toán cho NRC hơn 54 tỷ đồng theo tiến độ đã thống nhất, phụ thuộc vào việc SG5 xin ý kiến cổ đông, và không muộn hơn ngày 30/4/2025. Vì vậy, NRC đã phải ghi nhận tổn thất dự kiến từ dự án này trong báo cáo kiểm toán năm 2024.
NRC cũng ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến hơn 137 tỷ đồng, gấp đôi so với mức lỗ hơn 63 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó.
Về nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận trong năm 2024, NRC cho biết có ba lý do chính: Thứ nhất, thị trường bất động sản ảm đạm đã ảnh hưởng đến tiến độ bán hàng và doanh thu của công ty; Thứ hai, không đủ điều kiện ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng hợp tác đầu tư theo chuẩn mực kế toán; Thứ ba, một số đối tác gặp khó khăn tài chính, dẫn đến việc chậm thanh toán và buộc công ty phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu.
Mặc dù gặp khó khăn, NRC vẫn giữ quan điểm tích cực rằng sự hồi phục của thị trường bất động sản có thể giúp các đối tác thực hiện thanh toán, từ đó hoàn nhập các khoản dự phòng vào thu nhập.
Một ánh sáng le lói giữa bối cảnh khó khăn là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), ghi nhận doanh thu tăng 46 tỷ đồng lên 6.421 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 110 tỷ đồng đạt 963 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh, mặc dù mới chỉ thực hiện gần 60% kế hoạch doanh thu năm, công ty đã thực hiện tới 222% kế hoạch lợi nhuận.
Theo giải trình từ phía HBC, trong báo cáo kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhờ hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng phải thu. Trong năm 2024, công ty đã cải thiện hiệu quả thu hồi nợ và giảm các chi phí lương cũng như chi phí liên quan nhờ tái cơ cấu nhân sự.
Hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024.
Quốc Lâm