Nhiều doanh nghiệp thoát lỗ, lãi đột biến nhờ nông nghiệp

Nhiều doanh nghiệp thoát lỗ, lãi đột biến nhờ nông nghiệp
2 giờ trướcBài gốc
Nông nghiệp từng bị đánh giá là mảng kinh doanh kém hấp dẫn với những rủi ro cao, vì vậy số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn thấp. Tuy nhiên, nhờ các chính sách ưu đãi từ Chính phủ cùng tư duy đổi mới mô hình phát triển khép kín, phát triển theo chuỗi giá trị dựa trên liên kết nhiều chủ thế, nông nghiệp đang dần trở thành lĩnh vực kinh doanh quan trọng của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Điển hình là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong quý III/2024, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận tăng đột biến tới 80% so với cùng kỳ 2023. Giá lợn ổn định và việc tăng sản lượng bán ra đóng vai trò quan trọng vào sự phục hồi, tăng trưởng của Nông nghiệp Hòa Phát...
Trong khi đó, trong quý mảng kinh doanh thép của Hòa Phát có doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với doanh thu 28.766 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước song giảm gần 13,5% so với doanh thu 39.556 tỷ đồng trong quý II/2024. Nguyên nhân do giá bán có xu hướng giảm.
Cụ thể, sản lượng lợn bán ra trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 443.000 con, tăng 34%. Ở lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, sản lượng trứng cung cấp ra thị trường của doanh nghiệp tăng 5%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi ghi nhận mức tăng trưởng 4%, Hòa Phát nằm trong top 15 doanh nghiệp cung cấp TACN lớn nhất Việt Nam. Hoạt động chăn nuôi bò Úc cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ đó, quý III vừa qua, lợi nhuận sau thuế Hòa Phát đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế Hòa Phát đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ.
Trong chăn nuôi gia cầm, sản lượng trứng cung cấp ra thị trường của Hòa Phát đạt 243 triệu quả sau 9 tháng đầu năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Một doanh nghiệp chuyên nông nghiệp là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ đạt 1.432 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại khá tích cực khi tăng 17% lên 609 tỷ đồng nhờ giá vốn bán hàng giảm mạnh.
Theo đó, đóng góp chính vào lợi nhuận cho Hoàng Anh Gia Lai là mảng kinh doanh trái cây - chiếm khoảng 52% mang về cho doanh nghiệp này doanh thu thuần là 880 tỷ. Doanh thu từ bán heo đạt 234 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm nay, HAG ghi nhận 4.136 tỷ đồng mục doanh thu thuần, giảm 17% cùng kỳ, nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp lợi nhuận sau thuế đạt 851 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.
Với các mảng kinh doanh chủ lực từ lĩnh vực nông nghiệp như nuôi lợn, trồng chuối, sầu riêng… đang giúp HAG giảm dần khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng "đeo bám" doanh nghiệp này nhiều năm nay. Theo đó, tính đến ngày 30/9, HAG hiện còn lỗ lũy kế hơn 626 tỷ đồng, trong khi cuối năm ngoái còn 1.435 tỷ đồng.
Một “ông trùm” chăn nuôi khác là Công ty CP Masan MEATLife (MML) - chủ thương hiệu thịt mát MEATDeli, là công ty con của Masan Group (MSN) - tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch. Trong quý III vừa qua doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chịu lỗ gần 86 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Masan MEATLife có lãi sau thuế kể từ lần gần nhất vào quý I/2022. Sau khi khấu trừ lợi ích cổ đông thiểu số, Công ty lãi ròng hơn 2 tỷ đồng.
Về doanh thu, quý 3 này Masan MEATLife ghi nhận hơn 1.935 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nhưng biên lãi gộp đã cải thiện đáng kể do giá vốn được tiết giảm.
Lãnh đạo Masan MEATLife giải thích tăng trưởng đến từ doanh thu mảng thịt ủ mát và thịt chế biến. Đặc biệt là mảng trang trại gà và chi phí thức ăn chăn nuôi giảm đã góp phần làm tăng lãi gộp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Masan MEATLife ghi nhận gần 5,446 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% và lỗ sau thuế gần 60 tỷ đồng, ít hơn đáng kể khoản lỗ gần 434 tỷ đồng của cùng kỳ.
Ấn tượng hơn cả là tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) của đại gia Nguyễn Như So đạt được trong quý III. Báo cáo tài chính cho thấy, trong quý III, Dabaco đạt 3.525 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với cùng kỳ, lãi gộp đạt 623 tỷ đồng.
Sau trừ chi phí, doanh nghiệp chăn nuôi lớn này lãi sau thuế hơn 312 tỷ đồng, gấp 26 lần cùng kỳ, đồng thời là mức cao nhất trong 5 quý trở lại đây.
Lũy kế 9 tháng, Dabaco thu về 530 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 28 lần. Dabaco cho biết kết quả này có được chủ yếu đến từ giá lợi hơi liên tục tăng mạnh từ đầu năm khi nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh và ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Trong khi đó giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương giảm kéo giá thức ăn chăn nuôi, vốn chiếm trên 60% giá thành nuôi giảm theo. Cụ thể, giá ngô, đậu tương, lúa mì hiện đã giảm 30-40% so với mức đỉnh của năm 2023. Ba loại ngũ cốc này chiếm 80% chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi và giúp Dabaco tiết kiệm được lượng lớn giá vốn.
PAN Group (PAN) do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III năm nay ghi nhận 5.083 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ, lãi ròng theo đó đạt 186 tỷ đồng, tăng 89%, là mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay.
Theo lý giải của doanh nghiệp, kết quả lợi nhuận tăng mạnh trong quý vừa qua đến từ cả 3 trụ cột chiến lược của tập đoàn là thủy sản (+7%), nông nghiệp (tăng gấp đôi) và thực phẩm đóng gói (+48%).
Lũy kế 9 tháng, PAN Group đã ghi nhận 11.921 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 363 tỷ đồng, hoàn thành hơn 80% kế hoạch cả năm.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//quan-tri/nhieu-doanh-nghiep-thoat-lo-lai-dot-bien-nho-nong-nghiep-1103287.html