Robot AI có khả năng tương tác, dẫn chương trình linh hoạt như người thật.
Chỉ số Sẵn sàng AI (trí tuệ nhân tạo - AI Readiness Index) năm 2024 do Cisco công bố đã nhấn mạnh những thách thức mà các công ty phải đối mặt trong việc áp dụng, triển khai và khai thác tối đa AI.
Chỉ số này dựa trên khảo sát thực hiện với 3.660 nhà lãnh đạo cấp cao từ doanh nghiệp có quy mô 500 nhân viên trở lên tại Việt Nam và 13 thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC). Các nhà lãnh đạo này chịu trách nhiệm tích hợp và triển khai AI trong tổ chức của họ. Chỉ số Sẵn sàng AI được đo lường trên sáu trụ cột: chiến lược, cơ sở hạ tầng, dữ liệu, quản lý, nhân tài và văn hóa.
Theo Cisco, AI đã trở thành nền tảng cho chiến lược kinh doanh và các công ty ngày càng cảm thấy cấp thiết trong việc áp dụng và triển khai công nghệ AI.
Tại Việt Nam, 100% các công ty đều báo cáo rằng nhu cầu triển khai AI ngày càng tăng trong năm qua, chủ yếu đến từ sự thúc đẩy của CEO và ban lãnh đạo. Bên cạnh đó, các công ty đang cam kết một nguồn lực lớn cho AI, với 48% công ty báo cáo rằng có tới 10% đến 30% ngân sách CNTT của họ được phân bổ cho việc triển khai AI.
Báo cáo cũng chỉ ra các công ty đang đầu tư nhưng không đạt được kỳ vọng. Trong năm vừa qua, AI đã trở thành ưu tiên trong việc chi tiêu của các tổ chức tại Việt Nam, với 48% các tổ chức phân bổ từ 10-30% ngân sách CNTT của họ cho các dự án AI.
Các khoản đầu tư cho AI tập trung vào 3 lĩnh vực chiến lược bao gồm an ninh mạng, cơ sở hạ tầng CNTT và quản lý dữ liệu. Ba mục tiêu hàng đầu mà họ hướng tới là cải thiện tính hiệu quả của hệ thống, quy trình, vận hành, và lợi nhuận; khả năng đổi mới và duy trì tính cạnh tranh; tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và đối tác.
Đầu tư ngày càng nhiều, nhưng khoảng 25% các công ty cho biết họ không thấy có lợi ích hoặc lợi ích không đạt được như kỳ vọng của họ trong việc tăng cường, hỗ trợ hoặc tự động hóa các quy trình hay việc vận hành hiện tại.
Thiếu nhân tài có kỹ năng về AI
Khoảng 72% các công ty báo cáo rằng CEO và ban lãnh đạo đang thúc đẩy việc triển khai AI, theo sau là các đối thủ cạnh tranh và các công ty cùng trong lĩnh vực (49%) và hội đồng quản trị (42%).
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đẩy nhanh nỗ lực và tăng đầu tư để vượt qua các rào cản và nắm bắt quá trình chuyển đổi bởi AI. Đáng chú ý, khoảng 22% các tổ chức có kế hoạch phân bổ nhiều hơn 40% ngân sách CNTT để đầu tư vào AI trong vòng 4 - 5 năm tới, tăng mạnh so với tỷ lệ 4% các công ty thời điểm hiện tại có mức đầu tư tương tự.
Các công ty nhận ra rằng họ cần phải làm nhiều hơn để chuẩn bị tốt hơn cho việc tận dụng AI một cách hiệu quả. Hơn 60% các công ty Việt Nam đánh giá việc cải thiện khả năng mở rộng, tính linh hoạt và khả năng quản lý đối với cơ sở hạ tầng CNTT là ưu tiên hàng đầu của họ và nhấn mạnh nhận thức về những khoảng trống cần được lấp đầy để cải thiện mức độ sẵn sàng cho AI nói chung.
Theo nhận định của Cisco, khi cuộc đua ứng dụng AI tăng tốc, nhân tài sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt chính cho các công ty. Hiện đã có tình trạng thiếu nhân tài có kỹ năng trong nhiều khía cạnh của AI. Điều này có nghĩa là các công ty sẽ cần đầu tư vào nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
"Đồng thời, cần sự hợp tác để phát triển nhân tài trong nước nhằm giúp toàn bộ hệ sinh thái được hưởng lợi từ tiềm năng to lớn mà AI mang lại", đại diện Cisco nói thêm.
Anh Lê