Nhiều đối tác thương mại cứng rắn trước 'đòn thuế quan' của Tổng thống Trump

Nhiều đối tác thương mại cứng rắn trước 'đòn thuế quan' của Tổng thống Trump
7 giờ trướcBài gốc
Tàu chở hàng hóa cập cảng ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
NBC News (Mỹ) đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent vào ngày 23/4 cho rằng cuộc đối đầu thuế quan với Trung Quốc là “không thể kéo dài”. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài Chính Mỹ cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ động thái hạ nhiệt nào cũng phải đến từ cả hai phía.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 dường như đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi phát biểu tại Phòng Bầu dục rằng mức thuế cao 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể, nhưng không về mức bằng 0”.
Trước đó, vào ngày 17/4, Tổng thống Trump xác nhận chính quyền của ông đang thực hiện các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) cho biết nước này chưa tổ chức tham vấn hay đàm phán với Mỹ về vấn đề liên quan đến thuế quan. Ông Quách Gia Côn đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc rằng Bắc Kinh chỉ tìm kiếm đối thoại và đàm phán dựa trên bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Trong khi đó, một đại diện của Liên minh châu Âu (EU) nói với tờ The Wall Street Journal rằng khối này sẽ không từ bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) hay các khoản trợ cấp nông nghiệp mà các quốc gia thành viên đang dành cho nông dân. Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), Tổng thống Trump gây sức ép lên EU để đáp trả VAT – loại thuế được áp dụng cho tất cả các sản phẩm và bị Washington xem là một rào cản phi thuế quan. Ông Trump cũng từng phàn nàn về các khoản trợ cấp dành cho nông sản châu Âu. Vào đầu tháng 2, nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá: "EU đã lạm dụng nước Mỹ suốt nhiều năm – và họ không thể tiếp tục làm vậy nữa".
Vị quan chức này cũng đăng tải trên mạng xã hội X rằng EU đang tìm cách củng cố và mở rộng quan hệ với các quốc gia khác. Theo NBC News, EU đang xây dựng vị thế là lực lượng cân bằng lại tình trạng bất ổn do chính quyền Tổng thống Trump tạo ra.
Theo các chuyên gia, phản ứng từ Trung Quốc và EU có thể xuất phát từ cảm nhận rằng họ đang nắm trong tay đòn bẩy.
Dù thị trường đã rung lắc trong nhiều tuần, nhưng lập trường "dịu giọng" gần đây của Nhà Trắng dường như chỉ là phản ứng trước nguy cơ thiếu hụt hàng hóa trên các kệ hàng bán lẻ tại Mỹ. Đây là kịch bản Tổng thống Trump từng trải qua trong nhiệm kỳ đầu, khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo nguồn thạo tin của NBC News, một số doanh nghiệp cho biết mức thuế quan hiện tại đánh vào hàng nhập khẩu đã cao đến mức chẳng khác nào lệnh cấm vận, khiến họ buộc phải ngừng hoàn toàn việc đưa hàng vào Mỹ.
Nguồn tin cho biết Nhà Trắng đặc biệt lo ngại về nguy cơ thiếu hụt hàng hóa vào dịp lễ cuối năm. Chu kỳ đặt hàng cho Giáng sinh đang bắt đầu và ngày Quốc khánh 4/7 cũng đang cận kề.
Theo NBC News, việc Tổng thống Trump thay đổi lập trường đã trở thành “đặc sản” trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, và lần xoay chiều mới nhất này cũng không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ là quyết định cuối cùng.
Chuyên gia kinh tế của UBS Global Wealth Management – ông Paul Donovan đánh giá: “Chu kỳ thất thường kiểu đe dọa–rút lui–đe dọa–rút lui đang tạo ra những hệ lụy kinh tế. Tình trạng bất ổn do điều này gây ra có thể ảnh hưởng đến các quyết định tiêu dùng và đầu tư kinh doanh”.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/nhieu-doi-tac-thuong-mai-cung-ran-truoc-don-thue-quan-cua-tong-thong-trump-20250425105246715.htm