Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, với trọng tâm là về thúc đẩy phát triển SME. Hiện nay, nhóm doanh nghiệp này chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, tương đương 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Cơ hội vàng nhưng không dễ dàng
Được nhận định là “xương sống” của nền kinh tế quốc dân, tuy nhiên SME cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong hành trình phát triển nhanh và bền vững. Những hạn chế phổ biến bao gồm quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, hạn chế trong quản trị và đổi mới công nghệ. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận hoặc chưa đủ khả năng triển khai các giải pháp số hóa phù hợp.
Sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trưng bày tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành “yếu tố sống còn” đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài, từ tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí sản xuất, cho tới mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một minh chứng cụ thể là công ty Nhà An Toàn, doanh nghiệp đã hoạt động 25 năm với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Xuân Sơn, đại diện công ty tại hội thảo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp diễn ra mới đây, đầu tư cho chuyển đổi số là khoản đầu tư sinh lời cao nhất của doanh nghiệp, dù quá trình đầu tư chuyển đổi số tốn kém – lên tới hàng tỷ đồng và mất khoảng một năm để đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản trị riêng. Khi các phần mềm cũ đóng gói không còn đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng, việc đầu tư phát triển phần mềm riêng đã giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, linh hoạt và tiết kiệm hơn về lâu dài.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng “chạm tay” được vào thành công trong chuyển đổi số. Theo ông Lê Trung Thắng, CEO Công ty TNHH Chuyển đổi số & Đổi mới sáng tạo Việt Nam, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp cho thấy có đến 48% doanh nghiệp từng nhầm lẫn khi cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn giản là mua phần mềm hay thiết bị công nghệ.
“Họ hợp tác với các nhà cung cấp để làm phần mềm nhưng thất bại, dẫn đến mất tiền, mất thời gian, nhưng hơn hết là mất niềm tin của nhân sự vào công nghệ”, chuyên gia cho biết.
Ông Thắng cũng chỉ ra các rào cản lớn nhất khiến SME gặp khó khăn trong quá trình số hóa. Đầu tiên là chi phí cao, khi phần lớn SME phải dành nguồn lực cho sản xuất kinh doanh hằng ngày, khiến họ không thể dành ngân sách đáng kể cho việc chuyển đổi. Thứ hai là khó khăn trong việc thay đổi thói quen vận hành cũ - chiếm tới 52,3% trong các phản hồi khảo sát, trong khi chuyển đổi số thực chất là thay đổi hành vi và tư duy một cách toàn diện. Ngoài ra, còn có các rào cản như thiếu cam kết từ lãnh đạo, thiếu hiểu biết chiến lược và thiếu người dẫn dắt quá trình thay đổi.
Kỳ vọng từ những 'đòn bẩy' mới
Để tháo gỡ những rào cản, một trong những giải pháp Chỉ thị 10 đưa ra là ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ SME khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang xây dựng và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hợp tác xã, dự kiến trong tháng 4 này.
Vừa qua, phong trào “Bình dân học vụ số” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động ngày 26/3. Đây là một phong trào nhằm nâng cao năng lực số cho toàn dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.
Hưởng ứng phong trào này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Intel đã triển khai chương trình “AI for All – Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” - một chương trình học trực tuyến miễn phí, giúp mọi đối tượng tiếp cận với kiến thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo và xây dựng “tư duy số đầu tiên” trong cách vận hành và phát triển.
Nhìn từ góc độ chính sách, đây được kỳ vọng sẽ là những “đòn bẩy” lớn giúp khu vực SME vượt qua những thách thức hiện tại, tăng tốc trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả thực tế, cần có sự đồng bộ trong triển khai, sự chủ động từ chính doanh nghiệp và sự kết nối từ hệ sinh thái các chuyên gia, nhà khoa học và các công ty công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có các gói hỗ trợ tài chính rõ ràng, dễ tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, đầu tư khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp (iEIT), Trường Đại học Ngoại thương
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà quan trọng là con người. Chuyển đổi số bắt đầu từ tầm nhìn, bản lĩnh, can đảm và quyết tâm của lãnh đạo, đặc biệt với SME vì đây là một quá trình mới và khó, thất bại không ít. Muốn chuyển đổi số thành công thì mỗi doanh nghiệp cần phải tìm được một con đường riêng, được xây dựng trong quá trình chuyển đổi, đúc rút kinh nghiệm, đi từ đơn giản đến phức tạp.
TS Nguyễn Thị Thủy, Đại học RMIT Việt Nam
Agentic AI đang định hình lại các ngành nghề trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt công nghệ này bằng cách đầu tư vào đổi mới sáng tạo dựa trên AI, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và thúc đẩy hợp tác chiến lược. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong kỷ nguyên số.
Ông Phan Duy Hùng, Trưởng phòng pháp chế và đối ngoại, Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình
Doanh nghiệp nhỏ cần quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý doanh nghiệp, xây dựng website chuyên nghiệp, đầu tư giải pháp bảo vệ an toàn thông tin. Doanh nghiệp nên phối hợp với VCCI hoặc các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực chuyển đổi số. Nếu được đầu tư hợp lý, tôi cho rằng chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ có bước tiến rõ rệt trong tương lai.
Đỗ Kiều