Theo đó, 3 đề án giao thông chiến lược của TPHCM là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án đường sắt đô thị và đề án khí thải, gắn với phát triển giao thông công cộng đều đáp ứng tiến độ. Trong đó, dự kiến đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tuần sau.
Theo ông Trần Quang Lâm, trong năm 2024 đã có 19 dự án và gói thầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; trong đó 7 công trình cầu vượt sông và nhiều nút giao quan trọng; đồng thời khởi công 5 công trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án, phê duyệt 9 dự án quan trọng như Vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm (ảnh Ngọc Anh)
Tín hiệu vui nữa của ngành giao thông là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã vận hành chính thức từ 22/12. Sản lượng hành khách đi metro tăng đều, những ngày gần đây thường có khoảng 100.000 lượt khách sử dụng mỗi ngày.
Trong khi đó tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng đã đạt 98% giải phóng mặt bằng. Trong Quý I/2025, TP sẽ hoàn tất việc di dời hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện triển khai khi trình cấp có thẩm quyền chuyển đổi nguồn vốn sang đầu tư công thì sẽ triển khai ngay.
Với dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM đã giải phóng mặt bằng đạt 99%, khối lượng thi công 33%, đảm bảo tiến độ. Còn dự án Vành đai 2, TP đã có chủ trương đầu tư tất cả các đoạn phía Đông. Hiện TP đang thi tuyển kiến trúc và tập trung bồi thường, phấn đấu khởi công vào quý II/2025.
Với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hiện TPHCM và Tây Ninh đang làm công tác bồi thường để phấn đấu khởi công trước một số gói thầu vào Quý III/2025 bằng vốn ngân sách và sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư PPP; phấn đấu năm 2027 hoàn thành toàn tuyến.
Các dự án, công trình kết nối cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú, dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước, Bình Triều… đều được tập trung triển khai.
Phối cảnh cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn (Ảnh: Tư vấn thiết kế)
Đặc biệt, TP.HCM sẽ có một công trình kiến trúc độc đáo là Cầu đi bộ qua Sông Sài Gòn do doanh nghiệp tài trợ 100%. Dự kiến dự án này sẽ khởi công trước 30/4/2025.
Theo ông Trần Quang Lâm, năm 2025, TP.HCM sẽ triển khai nhiều công trình lớn. Thuận lợi là gần đây, Quốc hội đã thông qua nhiều luật tiến bộ, rút ngắn được nhiều trình tự, thủ tục khi thực hiện các dự án và chắc chắn TP.HCM sẽ được thừa hưởng rất nhiều.
Cụ thể như Luật Đầu tư công, UBND TP sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C với tổng mức đầu tư lớn gấp đôi so với trước đây. HĐND TP chỉ quyết định chủ trương đầu tư nhóm A trở lên. Bên cạnh đó, các quan được giao nhiệm vụ chủ bị đầu tư không nhất thiết là sở chuyên ngành mà có thể là đơn vị sự nghiệp và các quận huyện.
Do đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu sửa đổi các quyết định có liên quan để bắt tay ngay vào thực hiện khi luật này có hiệu lực. Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Kế hoạch – Đầu tư cố gắng sớm trình Chính phủ phê duyệt sớm các quy hoạch để đẩy nhanh bắt tay triển khai các dự án mới.
Ngoài ra, ông Trần Quang Lâm cũng đề nghị cần rút ngắn thời gian điều chỉnh các quy hoạch cục bộ, mạnh dạn rút ngắn quy trình thi tuyển kiến trúc.
Do đa phần các dự án giao thông đều vướng giải phóng mặt bằng nên ông Trần Quang Lâm đề nghị cần rút kinh nghiệm từ thành công của Vành đai 3 TP.HCM, đưa ra một quy trình thủ tục hướng dẫn cho các dự án gắn với tái định cư.
Các chủ đầu tư cần phải điều hành dự án khoa học, lập kế hoạch tiến độ và xử lý nghiêm các nhà thầu chậm trễ…
Hà Khánh-CTV Ngọc Anh/VOV-TP.HCM