Kỳ họp này triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị bàn về những quyết sách lịch sử, nhằm đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Một trong những nội dung đáng chú ý là theo dự kiến Chương trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua rất nhiều dự án luật, nghị quyết liên quan đến nhiều mặt đời sống kinh tế, tài chính, ngân sách, môi trường đầu tư kinh doanh, quy hoạch…, do Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Cụ thể đó là các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội còn xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo như: Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng…
Để hoàn thiện số lượng lớn các luật, nghị quyết trên, thời gian qua, Chính phủ đã thường xuyên, sát sao chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan dồn lực, tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp lý, nhằm đảm bảo chất lượng các dự án luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Những nội dung trên không chỉ nhằm đáp ứng cho những thay đổi trong quá trình tinh gọn, sắp xếp bộ máy từ trung ương đến địa phương, mà còn thể hiện tư tưởng xây dựng hệ thống pháp luật theo tinh thần đột phá được nêu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Với hệ thống các luật, nghị quyết gần như bao quát rộng khắp các lĩnh vực tài chính, ngân sách, môi trường đầu tư kinh doanh, quy hoạch, đấu thầu… như trên, tới đây, khi được Quốc hội thông qua và đưa vào thực tiễn, sẽ từng bước thể chế hóa nhiều tư tưởng đột phá được nêu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW như: triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.
Tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, phi truyền thống (trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khai thác nguồn lực dữ liệu, tài sản mã hóa...), để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới…
Cùng với việc chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn các luật, để đảm bảo ngay khi Quốc hội thông qua, sẽ sớm đưa các nội dung mang tính đột phá, cải cách trên vào cuộc sống. Qua đó, không chỉ tháo gỡ nhanh các “điểm nghẽn” về thể chế, mà còn giải phóng các nguồn lực hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển đất nước trong thời gian tới./.
Hữu Hòe