Nhiều dự án tại Đà Nẵng chậm tiến độ vì nút thắt mặt bằng

Nhiều dự án tại Đà Nẵng chậm tiến độ vì nút thắt mặt bằng
8 giờ trướcBài gốc
Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đang vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Anh
Lỡ hẹn tiến độ
Năm 2024, TP. Đà Nẵng ban hành danh mục gồm 40 dự án sẽ được hoàn thành và 39 dự án công trình sẽ khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2024, số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho thấy, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ cam kết.
Trong danh mục 40 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2024, mới xong 12 dự án. Trong khi đó, có 13 dự án không hoàn thành theo đúng tiến độ, 5 dự án thi công đạt trên 80% khối lượng hợp đồng, 4 dự án thi công đạt 50-80% khối lượng hợp đồng, 5 dự án thi công đạt dưới 50% khối lượng hợp đồng, một dự án đang trình thẩm định hồ sơ thiết kế… Nhiều nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra để giải thích việc các dự án chậm tiến độ.
Ví dụ, Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Dự án Làng Đại học, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được cam kết hoàn thành trong tháng 6/2024, nhưng đến nay mới đạt 85% giá trị hợp đồng. Theo Ban Quản lý, công trình chưa hoàn thành do còn vướng 8 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích khoảng 4.000 m2, nên chưa thể thi công hạ tầng kỹ thuật.
Trường hợp khác là Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu công nghiệp Hòa Ninh, do Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 2/2023, nhưng đến nay, khối lượng thực hiện mới đạt 30%, với lý do cũng vì vướng mặt bằng.
Đối với 39 dự án, công trình theo kế hoạch sẽ khởi công trong năm 2024, thì đến nay, mới có 10 dự án khởi công, còn lại đều chưa thể tiến hành xây dựng. Đáng chú ý, nhiều dự án phải lùi thời gian khởi công sang năm 2025. Điển hình là Dự án Nâng cấp, cải tạo Công viên 29/3, tổng mức đầu tư hơn 673 tỷ đồng. Theo chủ trương đầu tư, dự án này có diện tích sử dụng đất gần 190.000 m2 và diện tích thu hồi đất gần 3.000 m2. Dự án được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cam kết khởi công trong tháng 6/2024, nhưng không triển khai theo đúng kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, nguyên nhân chưa thể khởi công do việc xác định chỗ đổ bùn cho dự án này mất nhiều thời gian, nên phải lùi thời gian triển khai đến tháng 2/2025.
Tháo nút thắt mặt bằng
Vướng mặt bằng là rào cản lớn nhất đối với việc triển khai thi công nhiều công trình, dự án tại TP. Đà Nẵng hiện nay, kể cả dự án trọng điểm.
Mới đây, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đề nghị quận Liên Chiểu sớm hoàn tất thủ tục đền bù giải tỏa, vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương là 500 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách TP. Đà Nẵng.
Tính đến nay, Dự án đã giải ngân được hơn 558 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, sẽ hoàn thành trong năm 2025 cùng với dự án cảng Liên Chiểu để kết nối đồng bộ hạ tầng. Tuy nhiên, dự án này sẽ khó về đích nếu nút thắt mặt bằng không được giải tỏa.
Vướng mặt bằng là rào cản lớn nhất đối với việc triển khai thi công nhiều công trình, Dự án tại TP. Đà Nẵng hiện nay, kể cả Dự án trọng điểm.
Trong năm 2024, TP. Đà Nẵng được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 8.800 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 4.900 tỷ đồng. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành các dự án, TP. Đà Nẵng đã liên tục đốc thúc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai. Dù vậy, công tác đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan thời gian và trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, TP. Đà Nẵng đang “chạy nước rút” cho chặng đường cuối năm để triển khai các dự án, trong đó đảm bảo mặt bằng cho dự án là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Mới đây, Đà Nẵng đã phát động chiến dịch 90 ngày hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B. Dự án này có chiều dài đoạn tuyến 7,58 km, nằm trên địa phận của huyện Hòa Vang, tổng mức đầu tư hơn 788 tỷ đồng. Dù được khởi công từ tháng 11/2023, tiến độ hoàn thành trong 2025, nhưng hiện tại, dự án này không có mặt bằng để thi công.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch huyện Hòa Vang, trên toàn tuyến dự án, huyện đã xác lập 1.075 hồ sơ thửa đất phải thu hồi, bồi thường. Trong đó, đất nông nghiệp và đất khác chiếm 19,3%, đất ở và nhà thờ chiếm 80,7%, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 800 hộ dân. Đến nay, huyện Hòa Vang đã kiểm kê lập hồ sơ bồi thường 1.050 hồ sơ, xét pháp lý 980 hồ sơ.
Tuyến Quốc lộ 14B xây dựng hoàn thành vào năm 2005, không có vỉa hè. Các hộ dân sống hai bên đường bị chênh lệch cao trình 0,5 - 4,0 m. Để tiếp cận đường, người dân phải đổ đất nâng nền. Ngoài ra, hầu hết các hộ sống 2 bên đường đều kinh doanh buôn bán, nên họ xây dựng, cơi nới trên phần diện tích đã thu hồi, đền bù đường 14B cũ và trên phần diện tích hành lang an toàn giao thông để kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đề nghị UBND Thành phố thống nhất chủ trương hỗ trợ tháo dỡ, di dời tương đương 20% giá trị tài sản được bồi thường cho người dân.
“Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với TP. Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng. Vì vậy, huyện Hòa Vang phát động chiến dịch 90 ngày hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án với tinh thần quyết tâm cao, không ngại khó, ngại khổ, làm hết việc, không hết giờ, không kể thứ Bảy, Chủ nhật… để sớm hoàn thành”, ông Dũng nêu quyết tâm.
Hoàng Anh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nhieu-du-an-tai-da-nang-cham-tien-do-vi-nut-that-mat-bang-d227730.html