Sức hút lớn từ mùa hoa
Những vườn hoa mận khoe sắc bung nở trắng xóa từ tháng 1 đến nay đã giúp ngành du lịch Mộc Châu “hốt bạc” ấn tượng khi đón lượng khách du lịch lớn đổ về, đạt gần 1 triệu lượt. Các cơ sở lưu trú luôn trong tình trạng “cháy phòng”, hoạt động hết công suất. Theo số liệu từ Phòng Văn hóa - Thông tin Mộc Châu, tổng doanh thu xã hội của Mộc Châu ước đạt 1.209 tỷ đồng.
Mùa hoa mận đã giúp cho ngành du lịch Mộc Chân tăng trưởng khách du lịch và doanh thu một cách ấn tượng. Ảnh: Chang Mi
Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Việt Nam - chia sẻ, đầu năm Mộc Châu trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ hoa mận nở rộ, thu hút lượng lớn khách du lịch. Cơn sốt này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương mà còn tạo cơ hội quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên của vùng miền núi phía Bắc. “Nhu cầu du lịch trải nghiệm thiên nhiên đang ngày càng tăng và Mộc Châu đã tận dụng tốt lợi thế của mình, tận dụng tốt nhất những giá trị bản địa để chuyển đổi từ du lịch theo mùa thành du lịch bốn mùa”- ông Quỳnh cho hay.
Nêu lý do khách du lịch đổ về Mộc Châu tăng đột biến vào mùa hoa mận, ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO AZA Travel - cũng cho rằng, 3 năm trở lại đây, Mộc Châu trở thành điểm đến yêu thích của du khách, thậm chí luôn là điểm đến cạnh tranh với Sa Pa của Lào Cai. Sức hút này đến từ lợi thế cảnh quan, văn hóa bản địa, đặc biệt là các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, giao thông phát triển đã tăng sức hút cho du lịch Mộc Châu.
Đặc biệt, theo ông Phạm Hà - CEO Lux Group, người Việt Nam rất thích hoa, thích được trải nghiệm khi các mùa hoa vào mùa khắp dọc dài đất đất nước, như mùa hoa đào ở Hà Nội, Tây Bắc, Đà Lạt; hoa tam giác mạch Hà Giang, hoa sen Ninh Bình… Thậm chí, nhiều người còn tăng nhu cầu đi tour vào mùa hoa anh đào ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì thế, việc lượng khách đổ về Mộc Châu vào mùa hoa mận đầu năm là điều dễ hiểu.
Từ cơn sốt hoa mận Mộc Châu, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch đều chung nhận định, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển thương hiệu du lịch mùa hoa, có thể trở sản phẩm du lịch hấp dẫn qua đó góp sức cho tăng trưởng của du lịch địa phương cũng như cả nước.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã khai thác các mùa hoa để thu hút khách du lịch và trở thành thương hiệu cạnh tranh, như Nhật Bản, Hàn Quốc có hoa anh đào, Hà Lan có hoa tuylip. Tại Việt Nam, ngoài Mộc Châu, nhiều địa phương cũng đã khai thác các mùa hoa để phát triển du lịch và dần khẳng định được thương hiệu riêng như Lâm Đồng có lễ hội Festival hoa Đà Lạt, Điện Biên có lễ hội hoa ban…
“Điều này cho thấy, nếu quan tâm, đầu tư địa phương không chỉ thu hút được khách du lịch nội địa mà cả thị trường khách du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy tăng doanh thu du lịch. Đặc biệt, địa phương có khai thác lợi thế này để trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa địa phương, bảo tồn văn hóa, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế”- ông Đạt nhấn mạnh.
Hài hòa phát triển kinh tế và du lịch
Tuy nhiên, làm sao để cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững cũng là thách thức không ít đối với các địa phương khi khai thác, phát triển du lịch mùa hoa. Bởi, quá trình đón khách vào một mùa hoa, các địa phương không tránh khỏi quá tải do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về vấn đề này, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, để phát triển bền vững, các địa phương cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, các địa phương cần phải có quy hoạch bài bản, hệ thống về du lịch, làm sao tăng sức hút được du khách quanh năm, nhằm tránh quá tải cho điểm đến. “Mộc Châu nên nhân rộng các vườn mận ra nhiều điểm, tránh tập trung vào một số điểm nhỏ hẹp, điều này vừa tăng trải nghiệm cho du khách, lại không làm phá vỡ cảnh quan, cũng như dự báo được lượng khách để có sự chuẩn bị tốt nhất” - ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch cho điểm đến, việc thúc đẩy truyền thông quảng bá vẻ đẹp của điểm mùa hoa cần đẩy mạnh; cũng như cần tăng cường đào tạo người dân địa phương về dịch vụ du lịch, từ hướng dẫn viên đến quản lý nhà hàng, khách sạn…
Ông Phạm Hải Quỳnh nêu ý kiến thêm, các địa phương cần đảm bảo phát triển du lịch không ảnh hưởng xấu đến môi trường, bảo tồn cảnh quan và sinh thái; phát triển thêm các tour trải nghiệm, kết hợp văn hóa địa phương, giúp du khách hiểu hơn về đời sống và phong tục tập quán của người dân. “Việc áp dụng những biện pháp trên sẽ giúp các địa phương khác phát triển du lịch một cách bền vững, tăng sức hút đối với du khách và cải thiện kinh tế địa phương”- ông Quỳnh nhấn mạnh.
Theo Báo cáo xu hướng du lịch năm 2025 “Khám phá khác biệt, trải nghiệm tốt hơn” của mạng lưới truyền hình tin tức toàn châu Âu, khi nhận thức xã hội về vấn đề môi trường ngày càng cao thì du lịch có trách nhiệm đang trở thành loại hình được nhiều du khách quan tâm. Họ có xu hướng tìm đến những điểm đến thiên nhiên và tham gia vào việc bảo tồn, tái tạo cảnh quan nơi đó. Vì thế, các địa phương Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác lợi thế về thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, kinh tế bền vững.
Bảo Thoa