Nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai

Nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai
5 giờ trướcBài gốc
Sẵn sàng kế hoạch ứng phó
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, dự báo có khoảng 5- 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2 - 3 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong khi đó, mùa mưa tại Trung Bộ năm nay dự báo sẽ tập trung vào tháng 10 - 11 và nửa đầu tháng 12/2025, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của bão, ATNĐ cuối mùa. Do đó, các địa phương đang tập trung triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).
Người dân và các lực lượng ở xã Rờ Kơi gia cố các điểm xung yếu để hạn chế thiệt hại do thiên tai. Ảnh: THIÊN HƯƠNG
Đơn cử ở xã Thiện Tín, vào mùa mưa bão, người dân nơi đây thường rơi vào cảnh chạy lụt mỗi khi nước sông Vệ dâng cao. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã Thiện Tín đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó tương ứng với từng loại hình, mức độ thiên tai theo nguyên tắc “phòng là chính”. Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Tín Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, địa bàn xã khá rộng với diện tích gần 100km2, trong đó có nhiều khu dân cư thấp trũng và có nguy cơ cao sẽ bị sạt lở đất, núi. Vì vậy, song song với tuyên truyền, xã tập trung kiểm đếm vật tư, kiểm tra máy móc, thiết bị, ghe thuyền... phục vụ công tác PCTT trong mùa mưa bão sắp đến. Đồng thời, rà soát và kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), củng cố lực lượng Đội xung kích PCTT xã và các thôn, để sẵn sàng kích hoạt khi xảy ra các sự cố rủi ro thiên tai.
Đợt mưa lớn vào tháng 11/2024 gây xói lở, làm hư hỏng tuyến kè Trà Câu và đường giao thông, đoạn qua phường Đức Phổ. Ảnh: MỸ HOA
Còn tại xã biên giới Rờ Kơi, nơi có địa hình đồi núi dốc, nhiều khe suối nên tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa bão, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đã chủ động xây dựng, triển khai các phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, phòng ngừa từ sớm. Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi Nguyễn Minh Thuận cho biết, địa bàn, hiểm trở, nên từ đầu mùa mưa, xã đã tập trung kiểm tra và có phương án xử lý một số điểm có nguy cơ cao, nhất là đập thủy lợi Đăk Sia 1, cống tràn Đăk Tơ Ra, cầu treo qua khu sản xuất thôn Khơk Klong. Địa phương cũng đã tiến hành rà soát, nắm chắc những điểm dân cư ở khu vực thấp trũng, có nguy cơ bị ngập lụt tại các thôn Đăk Đe, Đăk Tang để xây dựng kế hoạch sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn khi có mưa lớn, bão lũ. “Mùa mưa bão năm nay, chính quyền và người dân bớt lo hơn khi những ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa kiên cố, đảm bảo an toàn”, ông Thuận thông tin thêm.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm 2025 đến ngày 30/6, cả nước đã xảy ra 20 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, mưa lớn, lũ, ngập lụt...). Đặc biệt, trung tuần tháng 6, hoàn lưu bão số 1 gây ra một đợt mưa cực lớn, làm ngập lụt trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên. Riêng lượng mưa ngày 12/6 được xem là hiện tượng mưa bất thường và hiếm gặp.
Tại các xã ven biển của tỉnh, công tác ứng phó với thiên tai cũng được cấp ủy, chính quyền chú trọng, đặc biệt là việc tuyên tuyền người dân, chủ tàu chấp hành nghiêm các nội dung chỉ đạo của ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Chủ tịch UBND xã Vạn Tường Ung Đình Hiền cho biết, trên địa bàn xã có nhiều khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của bão, triều cường xâm thực và sạt lở bờ biển. Do đó, chính quyền xã Vạn Tường đã quán triệt và xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình và mức độ thiên tai. Trước mắt, xã tập trung kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN, phân công cụ thể cho từng thành viên cũng như các tổ, nhóm xung kích ở những địa bàn có nguy cơ cao triển khai ngay các nhiệm vụ.
Không chủ quan, bị động
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó. Trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ, phục hồi sau thiên tai. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho biết, với hình thức “đầu tư tư, quản trị tư và sử dụng công”, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 96 trạm đo mưa tự động, đo mực nước tự động, cảnh báo ngập lụt, ngập sâu. Các trạm đã cập nhật lượng mưa, mực nước liên tục theo thời điểm và thời gian thực thay vì phải mất 6 tiếng như trước đây. Qua đó, giúp chính quyền, người dân vùng có nguy cơ cao nắm bắt kịp thời về lưu lượng nước, tình trạng mưa lớn đang và sắp diễn ra, để chủ động phương án ứng phó phù hợp.
Kiện toàn ban chỉ huy và các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai đang được cấp xã khẩn trương thực hiện. Trong ảnh: Lực lượng xung kích phường Phổ Minh (nay là phường Đức Phổ) tham gia ứng phó trong đợt lũ lụt vào tháng 11/2024. Ảnh: MỸ HOA
Tuy nhiên, tại khu vực phía tây của tỉnh, có địa hình bị chia cắt hiểm trở, tạo thành các thung lũng hẹp, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai như bão lũ, sạt lở đất, động đất... Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tại xã Kon Plông, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter; cá biệt có trận động đất mạnh với độ lớn 4,5 độ richter xảy ra vào giữa tháng 4/2022. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hồ Trọng Phương, dù các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản cũng như các công trình dân sinh, cơ sở vật chất, nhà cửa nhưng gây tâm lý hoang mang cho người dân sinh sống tại khu vực này. Do đó, cấp xã cần khẩn trương rà soát, xây dựng, cập nhật phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai trên địa bàn theo đơn vị hành chính mới. Đồng thời, xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó, bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tế địa phương.
“Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là các địa phương khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ PCTT, cứu hộ cứu nạn; thành lập, củng cố lực lượng xung kích PCTT phù hợp với thực tế theo khu vực trên địa bàn. Riêng các xã miền núi, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, cần quán triệt “3 bám” (bám dân, bám địa bàn, bám khu vực) và “5 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng địa bàn, cùng với nhân dân chống chọi, khắc phục và cùng phối hợp các lực lượng). Qua đó, không để bị động, bất ngờ khi xảy ra các tình huống thiên tai, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là tính mạng người dân”, ông Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.
MỸ HOA - THIÊN HƯƠNG
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/nhieu-giai-phap-ung-pho-voi-thien-tai-54306.htm