Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới, di sản được UNESCO ba lần công nhận không chỉ là biểu tượng đặc sắc, sinh động về vẻ đẹp huyền bí “độc nhất vô nhị” trên thế giới mà còn là tài sản quốc gia có giá trị đặc biệt về sinh thái, du lịch, cảnh quan, văn hóa, kinh tế…
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long nhằm bảo đảm cảnh quan, an ninh môi trường, an toàn du khách, nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Cần làm tốt công tác bảo tồn, quản lý vịnh Hạ Long xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên vừa qua, thông tin UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất không giới hạn số lượng, quy mô, chủng loại tàu du lịch trên vịnh đã, đang thu hút sự quan tâm từ dư luận xã hội, nhất là các nhà quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, tham chiếu các khuyến cáo quốc tế và định hướng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch chất lượng cao vịnh Hạ Long cũng như thực tiễn công tác quản lý, khai thác, bảo tồn…, nếu thực hiện như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với môi trường, di sản và sự phát triển bền vững du lịch của vịnh.
Từ cách tiếp cận tích cực, góc nhìn mong muốn có một vịnh Hạ Long xanh – di sản thiên nhiên thế giới, được UNESCO ba lần vinh danh luôn xanh, sạch, đẹp, thật nguyên sơ nhưng cũng hiện đại – xứng tầm quốc tế, điểm đến hấp dẫn, không những với người dân Việt Nam mà còn khách du lịch quốc tế, chúng tôi thấy rằng, tỉnh Quảng Ninh cần xem xét kỹ vấn đề này với những lý do sau:
Một là, khả năng quá tải hệ sinh thái biển và môi trường vịnh
Thực tế với hiệu suất hoạt động trung bình của hơn 500 tàu trong năm, hiện mới đạt khoảng 45–50% (ngoại trừ một số dịp cao điểm hè), được đánh giá là đã quá dư thừa. Đồng thời những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh về giới hạn số lượng tàu hoạt động du lịch trên vịnh, từng bước giảm tàu nhỏ, lạc hậu, hướng đến đội tàu hiện đại, thân thiện môi trường nên tỉnh Quảng Ninh đã cho đóng mới nhiều tàu có sức chứa lớn, thay thế số lượng tàu nhỏ, cũ. Do vậy tổng năng lực vận chuyển khách du lịch của đội tàu du lịch tại vịnh đã tăng thêm khoảng 2.000 ghế cho tàu tham quan ban ngày và 504 giường lưu trú trên tàu nghỉ đêm.
Đồng thời, theo Chi hội tàu du lịch Hạ Long, hiện số lượng cũng như năng lực tàu của Quảng Ninh đã cơ bản đáp ứng cùng lúc trên 25.000 khách du lịch/ngày, hoàn toàn phù hợp với quy mô số tàu cũng như lượng khách tham quan toàn vịnh. Chưa kể thời gian tới, việc tàu du lịch từ vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) được phép sang hoạt động thì số lượng tàu, khách trên vịnh Hạ Long sẽ tăng cao. Trong khi về không gian mặt nước, bến cảng tiếp nhận khách cũng như hệ thống luồng tuyến và vùng neo đậu của vịnh Hạ Long thực tế hiện đã quá sức chịu tải du lịch ở mức tối đa.
Vậy nên, việc “thả” hoàn toàn về số lượng và quy mô tàu du lịch sẽ làm phát sinh lượng phát thải dầu, khí thải từ động cơ diesel, xả thải sinh hoạt cũng như các vụ va chạm hoặc tiếng ồn dưới nước…, làm ngồn nước, không khí, nhất là tại các khu vực neo đậu, hang động đẹp (như hang Sửng Sốt, động Thiên Cung…) bị ô nhiễm cục bộ, gây chết san hô, rong biển, các loài phù du. Mức độ ô nhiễm từ dầu, khí thải khiến cho các loài cá, hải cẩu, rùa biển… vốn có thói quen cư trú, sinh sản, kiếm ăn trong vịnh bị suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống hệ sinh thái đặc hữu.
Hai là, lãng phí nguồn lực đầu tư - nguy cơ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh
Một thực tế, nếu không giới hạn số lượng tàu, chắc chắn chỉ trong thời gian ngắn, số lượng tàu hoạt động trên vịnh sẽ tăng vọt, đồng nghĩa thị trường du lịch vịnh Hạ Long sẽ rơi vào tình trạng cung vượt cầu và tất yếu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chủ tàu…
Các doanh nghiệp đầu tư lớn, mới hoàn toàn có thể đối mặt bị thua lỗ, phá sản, gây lãng phí, thiệt hại lớn về nguồn lực xã hội cũng như tài sản của người dân, kéo theo nhiều hệ lụy xấu về an sinh xã hội, lao động, việc làm, thu nhập, thậm chí gây bất ổn, nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế tại địa bàn.
Ba là, khuyến nghị của UNESCO nhằm bảo vệ, tôn tạo, khai thác bền vững, hiệu quả di sản “huyền thoại” vịnh Hạ Long không được tôn trọng, bảo đảm.
Với tính chất là Di sản thiên nhiên thế giới, niềm tự hào không những chỉ của Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế nên mọi hoạt động, nhất là hoạt động văn hóa, du lịch, kinh tế… đều phải tuân thủ nghiêm ngặt khuyến nghị của UNESCO về giới hạn sức tải, giảm tác động cơ giới, tăng cường giám sát môi trường, kiểm soát nước thải từ tàu du lịch, hoạt động dân sinh… Nền tảng để bảo vệ hệ sinh thái biển – đảo đặc hữu, tự nhiên vốn hiếm, quý, đặc biệt là hệ sinh thái đá vôi độc đáo.
Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, có hàng nghìn đảo đá vôi cùng hang động huyền ảo - một tuyệt tác thiên nhiên của nhân loại nên du khách trong nước và quốc tế đều ước muốn dù chỉ một lần trong đời được đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm thắng cảnh vịnh Hạ Long. Cùng với đó là những điểm, tour du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc; được thưởng thức các món ẩm thực đa dạng, riêng có, đặc biệt trải nghiệm ẩm thực về đêm – thời điểm vịnh luôn toát lên vẻ đẹp kỳ ảo, huyền thoại.
Và nếu một vịnh Hạ Long bị phá vỡ cân bằng sinh thái, mất đi vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ, tất mất đi khả năng cạnh tranh với tính chất điểm đến du lịch đặc sắc. Vô hình chung sẽ tác động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Nghiêm trọng hơn, nếu để UNESCO, các tổ chức quốc tế đánh giá vịnh Hạ Long bị “quá tải không kiểm soát”, nguy cơ bị rút danh hiệu di sản thì thiệt hại về thương hiệu cũng như uy tín quốc gia là không thể đong đếm.
Do đó, để tăng sức hút du khách cần làm tốt bảo tồn, giữ được di sản sống, nguyên sơ - giá trị bền vững, trái ngược thứ du lịch tiêu dùng tài nguyên, rẻ tiền. Cần nhận diện, lường hết những bất lợi khi “thả”, không hạn chế số lượng tàu du lịch trên vịnh với những lý do nêu trên để vịnh Hạ Long luôn xứng tầm là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO ba lần tôn vinh.
Luật sư Nguyễn Ngọc Thế