ĐBP - Dù có đất sản xuất, sức lao động và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước song nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Nguyên nhân không chỉ do thiếu vốn hay điều kiện canh tác, mà còn vì thiếu kỹ năng lao động, đặc biệt là kỹ năng sản xuất nông nghiệp hiện đại, quản lý kinh tế hộ gia đình và thích ứng thị trường. Tình trạng “nghèo kỹ năng” đang trở thành rào cản lớn đối với nỗ lực giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ chuyên môn ngành Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn người dân xã Búng Lao kỹ năng lao động, sản xuất, chăm sóc cây trồng. Ảnh: C.T.V
Gia đình ông Mùa A Sính ở xã Háng Lìa là một ví dụ điển hình. Dù sở hữu gần 2ha đất sản xuất nhưng quanh năm ông và các thành viên trong gia đình vẫn thiếu thốn, đến mùa giáp hạt lại đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Nguyên nhân chính là sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng sản xuất. Từ trước đến nay, gia đình ông chưa từng tham gia bất kỳ lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt hay học nghề do địa phương tổ chức. Việc canh tác hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm truyền miệng, không có kỹ thuật chọn giống phù hợp, càng không nắm rõ các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Tình trạng này không phải là cá biệt. Tại xã Nậm Kè, gia đình chị Sùng Thị Dính cũng gặp khó khăn tương tự. Dù có đất, có sức lao động nhưng do chưa từng tiếp cận lớp đào tạo kỹ thuật, chị Dính và gia đình vẫn canh tác theo lối truyền thống, thiếu định hướng và hiệu quả. Thậm chí, nhiều vụ mùa không biết nên trồng cây gì cho phù hợp, thu hoạch xong thì loay hoay tìm đầu ra; nhiều vụ gia đình chị để đất hoang. Chăn nuôi cũng tự phát, không tiêm phòng, không theo dõi dịch bệnh, dẫn tới thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè: Sau khi sáp nhập, xã có diện tích lớn, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một trong những nguyên nhân là do người dân chưa được trang bị kỹ năng lao động cần thiết. Việc tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật còn rất hạn chế; nhiều hộ dân dù có cơ hội nâng cao trình độ lao động nhưng không tham gia. Hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, thói quen canh tác cũ, thiếu hiểu biết về kỹ thuật nông nghiệp hiện đại và chăn nuôi vệ sinh dịch tễ... đang là những rào cản lớn trong việc nâng cao năng suất và thu nhập trên địa bàn xã.
Tình trạng người dân có đất nhưng không biết canh tác hiệu quả phản ánh thực trạng khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn, miền núi Điện Biên hiện nay. Thiếu kỹ năng lao động không chỉ khiến người dân không thể cải thiện thu nhập mà còn làm cái nghèo trở thành một vòng luẩn quẩn. Nếu được trang bị kiến thức, kỹ thuật sản xuất hiện đại, những hộ như gia đình ông Sính hay chị Dính hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Theo báo cáo hàng năm của UBND tỉnh, trung bình mỗi năm tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho từ 8.000 - 9.000 lao động. Giai đoạn từ năm 2022 - 2024, toàn tỉnh đã đào tạo được 25.480 lao động/24.950 lao động đạt tỷ lệ 102,1% mục tiêu. Riêng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 2.281 lao động. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh đạt 63%, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 34%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị hàng năm đều dưới 3%.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu thực tế. Qua rà soát, vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân chưa từng học hay tham gia bất kỳ lớp tập huấn kiến thức, học nghề. Cụ thể, năm 2024 qua khảo sát, cả tỉnh có 12.143 hộ dân không có kiến thức sản xuất (trong đó, khu vực nông thôn chiếm 11.949 hộ, còn lại khu vực thành thị); cùng đó, toàn tỉnh có 17.800 hộ không có kỹ năng lao động sản xuất, mặc dù có tư liệu sản xuất trong tay (trong đó, chủ yếu ở khu vực nông thôn với 17.549 hộ).
Nguyên nhân của tình trạng “nghèo kỹ năng” là tổng hợp của nhiều yếu tố như: Hệ thống đào tạo nghề còn manh mún, thiếu tính thực tiễn; cơ sở vật chất lạc hậu, phân bổ không đồng đều; nội dung đào tạo nặng lý thuyết, thiếu cập nhật kỹ năng số và kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận lớp học do điều kiện kinh tế, thời gian, địa hình, hay sự e ngại với công nghệ. Cùng với đó, tâm lý chờ đợi “được hỗ trợ” từ Nhà nước còn phổ biến ở nhiều nơi, trong khi nhiều người chưa thực sự nhận thức rõ học nghề sẽ mang lại lợi ích gì. Chính vì vậy, dù tỉnh và các tổ chức xã hội đã có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Để tháo gỡ bài toán “nghèo kỹ năng lao động”, tỉnh cần có những giải pháp thực tế và đột phá hơn. Một trong những hướng đi cần được ưu tiên là tổ chức các lớp đào tạo lưu động ngay tại thôn, bản, tổ dân cư - nơi người dân sinh sống và sản xuất. Nội dung đào tạo cũng cần phong phú hơn, từ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến kỹ năng quản lý kinh tế hộ và kỹ năng số như sử dụng mạng xã hội, bảo mật thông tin, giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Song song đó, việc kết nối giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm khởi nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp không chỉ giới thiệu quy trình, tiêu chuẩn sản xuất mà còn giúp người dân rèn luyện kỹ năng mềm, tinh thần hợp tác, kỷ luật lao động - những yếu tố nền tảng để nâng cao hiệu quả làm việc. Đặc biệt, vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức hội, đoàn thể cần được phát huy trong tuyên truyền, tạo niềm tin để người dân mạnh dạn học nghề, tiếp cận kỹ năng mới. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền, để người dân hiểu, tự lực vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thách thức “nghèo kỹ năng lao động” tại Điện Biên không chỉ là bài toán dạy nghề, mà là bài toán tổng thể về giáo dục, hạ tầng, công nghệ và chính sách. Giảm nghèo không chỉ là bài toán “đủ ăn đủ mặc”, mà còn là câu chuyện dài về khả năng làm chủ cuộc sống. Chỉ khi kỹ năng của người dân được nâng cao, họ mới có thể tự tin làm chủ cuộc sống, sẵn sàng đón nhận cơ hội đổi thay và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. Đã đến lúc nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này và hành động sớm - trước khi nó trở thành lực cản lớn trong hành trình xây dựng một xã hội tiến bộ và công bằng.r
Ngọc Huyền