Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng yếu để tái cơ cấu ngành Công Thương
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, với người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 2795/QĐ-BCT ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 đã định hướng nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh đầu tư tăng cường tiềm lực, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành.
Chiến lược nêu rõ, với lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo: Nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng các công nghệ điều khiển hiện đại để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện; hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; ứng dụng các công nghệ số hiện đại như: Công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT... bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Ứng dụng công nghệ đo đếm tiên tiến - thông minh (smart metering) để theo dõi sử dụng điện của khách hàng, chống thất thoát trong kinh doanh điện, phục vụ nghiên cứu dự báo phụ tải và các yêu cầu của quản lý điều hành; sử dụng công nghệ công tơ đọc dữ liệu, thu nhận dữ liệu từ xa; tự động hóa lưới phân phối gắn liền với dịch vụ khách hàng và quản lý nhu cầu.
Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 nêu rõ, với lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo: nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng các công nghệ điều khiển hiện đại để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện; hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; ứng dụng các công nghệ số hiện đại
Để thực hiện những mục tiêu chuyển đổi số, trước đó, Bộ Công Thương đã tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động này. Ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 573/QĐ-BCT về Kiện toàn Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công Thương, với Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số là Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban thường trực là Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của Bộ.
Sau khi Ban chỉ đạo chuyển đổi số được kiện toàn, một loạt các quyết định, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến tất cả các lĩnh vực của chuyển đổi số trong ngành Công Thương đã được ban hành. Với những chỉ đạo tại các văn bản này, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương nhằm mục tiêu cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Trong hoạt động quản lý và điều hành, Bộ đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến cùng với cơ sở dữ liệu quản lý các ngành công nghiệp. Những nền tảng này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ công.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đến cuối năm 2024, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đang cung cấp 267 DVCTT, trong đó, 168 DVCTT toàn trình, 99 DVCTT một phần.
Tổng số hồ sơ nộp qua các DVCTT của Bộ đến hết tháng 10/2024 là hơn 1,3 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 129 DVCTT của Bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, Bộ Công Thương xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công (Theo công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia).
Nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Công Thương
Nhằm góp phần hiện thực hóa Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, trong đó tập trung vào một số hành động cụ thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Một là, xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số. Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã kiện toàn Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; Ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương theo giai đoạn và thường niên; Ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2030; Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu mở của Bộ Công Thương...
Hai là, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành. Trong những năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều ứng dụng nội bộ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tại Bộ Công Thương và hoạt động quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như: hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ, hệ thống quản lý văn bản điện tử...; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bao gồm 22 DVCTT toàn trình và 23 DVCTT một phần. Bộ Công Thương cũng đang quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: cơ khí chế tạo, ô tô, dệt may, da giầy, điện tử, hóa chất quốc gia.
Ba là, liên tục đánh giá mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực.
Theo ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), việc đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp như là: tác động thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất; sự xuất hiện của mô hình sản xuất công nghiệp mới; chỉ số thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết
Bốn là, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thúc đẩy số hóa, phát triển nhà máy thông minh. Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là chương trình trọng điểm để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trong thời gian tới, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng công nghệ mới.
Theo ông Nguyễn An Sơn, các hoạt động trên đã góp phần thúc đẩy công tác triển khai chuyển đổi số tại các đơn vị và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Mặt khác, Bộ cũng chủ động nắm bắt và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị, định hướng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ dữ liệu, đánh giá chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Từ kho dữ liệu mở của Bộ, các doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn có thể được sử dụng, khai thác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Tính riêng trong năm 2024, Bộ đã ban hành hàng loạt văn bản thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ điện tử trong Bộ Công Thương nói riêng và toàn ngành Công Thương nói chung.
- Triển khai Đề án phát triển dữ liệu dân cư: Quyết định số 479/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.
- Bảo đảm an toàn thông tin: Văn bản số 1662/BCT-TMĐT gửi các đơn vị trực thuộc về việc tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ.
- Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia: Quyết định số 653/QĐ-BCT triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Bộ Công Thương.
- Quy chế an toàn thông tin: Quyết định số 2490/QĐ-BCT ban hành quy chế về An toàn thông tin mạng và An ninh mạng trong Bộ Công Thương.
- Quản lý chữ ký số: Quyết định số 2893/QĐ-BCT quy định về quản lý và sử dụng chứng thư chữ ký số trong hệ thống của Bộ.
- Tuyên truyền và phổ biến chuyển đổi số: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ban hành hơn 30 văn bản nhằm thúc đẩy nhận thức về chuyển đổi số và chính phủ điện tử trong toàn ngành.
Những văn bản trên thể hiện quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử hiện đại và phát triển kinh tế số, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Huyền My