Chương trình “Chào năm mới 2025” với các hoạt động như: Tái hiện không gian Phiên chợ vùng cao - Chào năm mới 2025
Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ, nhìn lại một năm đã qua và niềm vui hân hoan chuẩn bị đón chào năm mới 2025 tại “Ngôi nhà chung” với chủ đề “Phiên chợ vùng cao - Chào năm mới 2025”. Với điểm nhấn hoạt cảnh không gian chợ phiên là sự kết hợp giữa không khí vui tươi xuống chợ, cùng nhau múa khèn, giã bánh giày với chàng trai, cô gái dân tộc Mông; các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, ném còn…), ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái (Thanh Hóa) và các nhóm đồng bào phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
* Không gian chợ với hơn 50 gian hàng bao gồm: 33 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương tại khu vực Chợ vùng cao; 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống phục vụ nhu cầu của du khách khi tham quan; 9 gian hàng nước khu vực đường giữa hai ao để phục vụ nhu cầu của du khách tham quan.
* Không gian trưng bày tranh “Sắc màu phiên chợ”: Giới thiệu không gian ảnh về vẻ đẹp của vùng đất và con người của huyện miền núi xứ Thanh và một số ảnh không gian văn hóa đã tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Giới thiệu, trình diễn múa Khèn của dân tộc Mông (tỉnh Thanh Hóa)
Khèn là biểu tượng văn hóa của đồng bào Mông vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của đồng bào Mông vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng chia sẻ tâm tư tình cảm giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Mông gắn liền với chiếc khèn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để cho đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà có đến bốn người hoặc nhiều hơn, múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.
Đồng bào Mông giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bằng nghệ thuật trình diễn các tiết mục đặc sắc múa khèn đơn, khèn đôi; giới thiệu cấu tạo của chiếc khèn và cách sử dụng khèn tới đồng bào và du khách; nghệ nhân giúp mọi người tìm hiểu về cây khèn, cùng tập thổi khèn, múa khèn, hòa cùng không khí niềm vui của những ngày cuối năm cũ, chào đón năm mới.
Giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào vùng cao
Mỗi vùng có những sản phẩm thủ công truyền thống riêng, đều có bản sắc tạo nên sự đa dạng văn hóa cũng như đa dạng kinh tế. Mỗi một nghề thủ công truyền thống đều được tích lũy vốn tri thức khác nhau, được sinh ra và phát triển đồng hành cùng với sự hình thành các bản làng, bảo tồn nghề là bảo tồn làng bản truyền thống, bảo tồn các cốt lõi văn hóa dân tộc. Nghề thủ công truyền thống là một trong những nét đẹp văn hóa gắn với cộng đồng các dân tộc vùng cao, đồng bào các dân tộc cùng nhau giới thiệu các nét văn hóa độc đáo ấy với sắc màu thổ cẩm của nghề thêu và trang trí hoa văn trên vải của nhóm Dao, nhóm Thái tỉnh Thanh Hóa, dệt vải, thêu khăn, đan lát của các đồng bào dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu phiên chợ” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc
Các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền chào xuân 2025 đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Thái tỉnh Thanh Hóa và đồng bào các dân tộc phía Bắc đang hoạt động hàng ngày tại Làng. Các nhóm đồng bào gặp gỡ, hân hoan của tình đoàn kết, rạng ngời trong niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ và quê hương đổi mới.
Tái hiện tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên: Đây là tết cổ truyền có từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ vạn vật hữu linh của đồng bào Mông. Tết Nào Pê Chầu còn bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là cơ sở để giữ gìn và phát triển vốn văn hóa truyền thống, giáo dục cho các thế hệ con cháu luôn hướng về cội nguồn. Buổi lễ sẽ diễn ra sáng ngày 29/12 (Chủ nhật) tại không gian làng dân tộc Mông.
Nghi lễ cúng cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, gia dình ấm no, hạnh phúc của người Thái.
Tái hiện Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hóa: Lễ “mừng cơm mới” là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Buổi lễ sẽ diễn ra sáng ngày 1/01/2025 (thứ Tư) tại không gian làng dân tộc Thái.
Tái hiện trích đoạn Lễ hội cầu may của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân trong bản lại nô nức rủ nhau đi xin lộc cầu may cho tiêu tan bệnh tật, mùa màng tốt tươi. Ông mo chủ lễ sẽ cúng thần linh cầu mưa thuận gió hòa, in cho dân bản nhiều sức khỏe, hạnh phúc, đủ đầy. Để chuẩn bị mâm lễ cúng, quan trọng nhất là các sợi chỉ được đặt vào mâm cúng, lễ vật cúng gồm gà, thịt lợn, nước, cơm nếp, hoa quả…Làm lễ xong ông Mo sẽ ban lộc cho từng người bằng cách buộc chỉ cổ tay tùy theo lứa tuổi, địa vị để được ông buộc chỉ màu khác nhau. Đây được xem là bùa may mắn mà ông mo ban tặng.
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
N.H