Nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
5 giờ trướcBài gốc
Triển lãm Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế
Ngày 18/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế cho biết, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người.
Theo đó, ngày 19/5, sẽ tổ chức trọng thể Lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế. Đồng thời, khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”.
Khai mạc Ngày hội làng Dương Nỗ tối 17/5 chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Triển lãm "Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế" gồm có 2 phần: Không gian di sản văn hóa lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế và Không gian Gốm nghệ thuật “Huế với Bác Hồ”; với gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế.
Hệ thống di sản vật thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế vô cùng quý giá với gần 20 di tích, địa điểm di tích. Trong đó, 4 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp thành phố.
Giới thiệu các di sản phi vật thể về Người ở Huế như: Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc miền Tây thành phố Huế; thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Hội Mỹ thuật thành phố Huế và Trường Đại học nghệ thuật, Đại học Huế, Trại sáng tác Gốm nghệ thuật có chủ đề “Huế với Bác Hồ” đã được tổ chức, quy tụ 21 họa sĩ, nhà điêu khắc. Qua 60 ngày sáng tác, từ các phác thảo, 40 tác phẩm đã được Hội đồng nghệ thuật chọn để hoàn thiện và tổ chức trưng bày trong triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”.
Tổ chức Ngày hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” diễn ra tại Đình làng Dương Nỗ, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ (phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, thành phố Huế).
Lãnh đạo Nhà nước thăm Di tích quốc gia đặc biệt của Hồ Chí Minh tại số 112 Mai Thúc Loan. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Chương trình ngày hội bao gồm: Khai mại ngày hội; lễ rước hoa sen và dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm tranh thiếu nhi về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh; trải nghiệm làm hoa sen giấy, trò chơi dân gian; nghề thủ công truyền thống địa phương; liên hoan vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi làm theo lời Bác”…
Tham gia triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” trong khuôn khổ Lễ hội làng Sen tại Nghệ An năm 2025. Gian trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế có chủ đề: Bác Hồ với Huế - Ký ức và niềm tin, nội dung gồm có 3 phần giới thiệu: Những năm tháng Bác Hồ ở Huế; Bác Hồ với Huế - Huế với Bác Hồ; Huế thực hiện Di chúc Bác Hồ.
Các di tích lịch sử gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế
Trong hành trình phát triển tư tưởng yêu nước, từ một cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, Huế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nơi đây không chỉ là miền đất đầu đời hun đúc chí lớn của Người, mà còn lưu dấu những bước chân đầu tiên của một bậc vĩ nhân trong hành trình tìm đường cứu nước.
Những kỷ vật vô cùng quý giá của Bác Hồ được lưu giữ tại làng Dương Nỗ. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Di tích quốc gia đặc biệt của Hồ Chí Minh tại số 112 Mai Thúc Loan: Nằm tại phường Thuận Lộc, thành phố Huế, ngôi nhà số 112 Mai Thúc Loan, là nơi gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc từng sống từ năm 1895 đến 1901. Tại đây, Nguyễn Sinh Cung sống cùng cha mẹ và anh trai trong không gian nhà rường ba gian, đậm nét Huế xưa. Ngôi nhà chứng kiến những ngày tháng tuổi thơ êm đềm, nuôi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần học hỏi nơi Người.
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (Phú Dương, Phú Vang): Năm 1898, sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc (cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh) không đỗ kỳ thi Hội lần thứ hai, gia đình cụ được mời về dạy học tại làng Dương Nỗ. Cùng với gia đình, Người đã sống tại ngôi nhà gỗ ba gian, mái lợp tranh, vách ghép ván. Đây là nơi Nguyễn Sinh Cung (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) bắt đầu tiếp thu nền giáo dục Nho học từ người cha mẫu mực, nơi hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của Người.
Các di tích lịch sử Bác Hồ tại Huế là "địa chỉ đỏ" thu hút các em học sinh, sinh viên tìm hiểu sự nghiệp vĩ đại của Người; đồng thời học tập lòng yêu nước, đạo lý làm người... Ảnh: Nguyễn Tuấn
Đình làng Dương Nỗ là một công trình kiến trúc truyền thống, là nơi thờ cúng tổ tiên và trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Trong thời gian sống tại Dương Nỗ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên ghé thăm đình để học bài, vui chơi. Đình làng Dương Nỗ không chỉ lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc của Bác Hồ, mà còn là nơi gắn bó với nền văn hóa truyền thống của làng xã.
Trường Quốc học Huế là nơi Nguyễn Sinh Cung, cậu học trò xuất sắc của đất Kinh kỳ, đã học tập và tiếp thu kiến thức quốc ngữ, mở rộng tầm nhìn về lý tưởng tự do và độc lập. Tại đây, Bác Hồ đã tham gia các phong trào yêu nước, gặp gỡ những chí sĩ cách mạng, từ đó nhen nhóm trong mình khát vọng giải phóng dân tộc.
Tòa Khâm sứ Trung Kỳ (nay là Trường Đại học Sư phạm Huế): Là nơi chứng kiến cuộc sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia vào phong trào chống sưu thuế năm 1908. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình hình thành tư tưởng cách mạng của Người.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố Huế, tọa lạc bên dòng sông Hương, là nơi lưu giữ những hiện vật quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng không chỉ là địa chỉ tham quan, mà còn là nơi truyền tải những giá trị tư tưởng, đạo đức của Người, giúp thế hệ trẻ học hỏi và thấm nhuần những bài học về tinh thần yêu nước, đạo lý làm người…
Các di tích lịch sử tại Huế không chỉ mang giá trị tinh thần to lớn mà còn là "địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục. Những nơi này đã trở thành điểm đến quan trọng, thu hút học sinh, sinh viên và du khách. Qua đó, không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu về quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng.
Huế không chỉ là mảnh đất ghi dấu bước chân của Bác Hồ mà còn là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Qua đó, tạo dựng nền tảng vững chắc cho một đất nước phát triển, văn minh, tự do.
Nguyễn Tuấn
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nhieu-hoat-dong-ky-niem-135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-388102.html