Lễ hội lần này có nhiều hoạt động tôn vinh người trồng cà phê như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi rang Cà phê đặc sản; Hội nghị kết nối giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm nông sản Việt; Hội trại cà phê; Uống cà phê miễn phí…
Thu hoạch cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Lễ khai mạc Lễ hội với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” diễn ra 20 giờ ngày 10/3 tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, gồm hai phần: Nghi thức khai mạc và chương trình nghệ thuật, thông qua hình thức sân khấu hóa truyền thống kết hợp hiện đại nhằm giới thiệu hình ảnh đặc sắc về cà phê, văn hóa cà phê, về con người, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh. Đặc biệt, tại Lễ khai mạc sẽ có bài phát biểu của Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) góp phần khẳng định vị thế của thành phố Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới.
Trong khuôn khổ các hoạt động chính của Lễ hội, Lễ hội đường phố dự kiến khai mạc vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 10/3 tại Tượng đài Ngã Sáu, thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài đoàn nghệ thuật các nước, nghệ nhân, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, thiếu nhi… diễu hành và giao lưu, còn có lực lượng nhân viên, công nhân của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, nhà máy sản xuất cà phê và nông dân trồng cà phê tham gia.
Song song với đó, tại Lễ hội, lần đầu tiên diễn ra Hội trại Cà phê từ ngày 10 - 12/3 tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc, với các hoạt động như: Cắm trại; trưng bày sản phẩm OCOP và giao lưu ẩm thực; triển lãm ảnh; thi vòng loại Nhà nông đua tài; giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi sơ chế, chế biến, rang xay, pha chế cà phê đặc sản; ngày hội Tuổi trẻ sáng tạo và đêm lửa trại. Hội trại nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê chất lượng cao, bền vững và cà phê đặc sản; tôn vinh người trồng, chế biến, kinh doanh cà phê.
Ngoài ra, tại Lễ hội cũng sẽ diễn ra Cuộc thi rang cà phê đặc sản Việt Nam 2025. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội với quy mô lớn, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Cuộc thi là sự kiện mang tính chuyên biệt về cà phê, là hoạt động cốt lõi để thu hút người yêu cà phê, tôn vinh nghề rang cà phê trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt, cuộc thi có những sự kiện đi kèm như Talk show “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, quy tụ công chúng yêu cà phê, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nông dân, người làm du lịch, bạn trẻ yêu sáng tạo để chia sẻ ý tưởng, chiến lược xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành biểu tượng cà phê đặc sản…
Bên cạnh đó, tại Lễ hội sẽ có các tour du lịch trải nghiệm khám phá, trong đó có các tour du lịch trải nghiệm về cà phê. Tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP dự kiến có 400 gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cà phê, các sản phẩm phụ trợ ngành cà phê, máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành cà phê và sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đặc biệt, tại hội chợ sẽ có không gian pha chế cà phê theo phong cách châu Âu, Mỹ Latinh và Ethiopia…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, tại Lễ hội, lần đầu tiên diễn ra hoạt động đến thăm, tặng quà các hộ nông dân trồng cà phê có hoàn cảnh khó khăn, nhằm ghi nhận những đóng góp của các hộ nông dân đối với ngành hàng cà phê; khuyến khích, động viên nông dân tiếp tục gắn bó với cây cà phê.
Hoài Thu (TTXVN)