Homestay qua mặt chính quyền lấn rừng
Trường hợp gia đình bà Vũ Thị Minh Thu, thôn 6, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một trong những trường hợp điển hình.
Theo biên bản vi phạm hành chính do Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân (Thạch Thất) lập, bà Thu có hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.
Một phần khu homestay vi phạm tự ý chuyển đổi đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Tiến Xuân, Thạch Thất (Ảnh: NH)0.
Cụ thể, đó là thửa đất số 85, tờ bản đồ số 4, có diện tích 9.926m2. Bà Thu đã chuyển 167/9.926m2 là đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp và xây dựng 5 nhà khung gỗ, lợp mái tôn. Bà Thu bị phạt hành chính 35.000.000 đồng (ba mươi năm triệu đồng).
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh mới đây yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai thực hiện ngay các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời gian các cơ quan trong hệ thống chính trị sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm pháp luật môi trường.
Bà Thu chỉ là một trong số 65 trường hợp vi phạm mới liên quan đến đất đai và khoáng sản trên đại bàn Thạch Thất 4 tháng đầu năm, theo báo cáo của UBND huyện này.
Tương tự tại huyện Hoài Đức, tình trạng vi phạm đất đai nở rộ trên nhiều xã. Theo đó, từ 21/3 - 22/4, địa bàn xã Đông La phát sinh 63 trường hợp xây dựng vi phạm mới. Xã Vân Côn, từ đầu năm tới nay đã xảy ra hơn 20 trường hợp tự ý chuyển mục đích trên đất nông nghiệp, ngăn chặn được hơn 10 trường hợp.
Trên địa bàn huyện Phú Xuyên, từ tháng 3 - 4, phát hiện 9 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, làm nhà xưởng trên đất nông nghiệp.
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết qua nắm bắt tình hình thực tế, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm xây tường bao trên khu đất nằm trong quy hoạch dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất); vi phạm đất công làm sân Pickleball (phường Phúc Lợi, quận Long Biên); tình trạng vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm)…
Theo bà Hằng đây là một vài ví dụ điển hình trong vi phạm đất đai được các quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời; song rất cần siết chặt hơn nữa về công tác quản lý.
Lãnh đạo xã bị bắt vì tiếp tay vi phạm
Trao đổi với PV Báo Xây dựng về xử lý vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên, đại diện xã Thạch Thất cho biết, trong số 60 trường hợp vi phạm mới, 35 trường hợp đã được xử lý dứt điểm, 30 trường hợp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thiết lập hồ sơ, xử lý.
Ông Trần Đức Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thạch Thất, cho biết quản lý đất đai là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp. UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Môi trường thành lập tổ công tác đặc biệt tăng cường kiểm tra, trinh sát địa bàn, kiên quyết không để phát sinh mới các vi phạm đất đai. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch cụ thể, xử lý dứt điểm 30 trường hợp vi phạm đất đai còn lại trước ngày 10/5/2025.
Ông Nguyễn Văn Phích, Phó Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên bị bắt phục vụ điều tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, tạo điều kiện cho 5 hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hưởng lợi tổng số tiền 412 triệu đồng.
Bên cạnh việc xử lý đối tượng vi phạm, cưỡng chế vi phạm, thời gian qua, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội cũng đã đình chỉ chủ tịch xã để xảy ra vi phạm trên địa bàn.
Theo đó, UBND huyện Quốc Oai đã ra thông báo về việc tạm dừng công tác điều hành đối với chủ tịch UBND các xã: Hưng Đạo, Hòa Thạch và Ngọc Mỹ để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.
UBND huyện Phú Xuyên quyết định tạm đình chỉ công tác chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên và chủ tịch UBND xã Hồng Thái để phục vụ công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Công an TP Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố nhóm cán bộ xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín. Trong đó, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã và công chức địa chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, tạo điều kiện cho 5 hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hưởng lợi tổng số tiền 412 triệu đồng.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đỗ Anh Thắng, Giám đốc Công ty luật Asem Việt Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết vi phạm đất đai phổ biến là sử dụng đất không đúng mục đích, xây nhà trên đất nông nghiệp, xây thêm tầng trái phép.
Ông Thắng bày tỏ rằng, những sai phạm này phải được xử lý nghiêm minh, thẳng tay cưỡng chế, không hợp thức hóa sai phạm, phạt để tồn tại. Các công trình sai phạm dứt khoát phải bị phá dỡ, ít nhất là phá phần xây sai phép có thế mới đủ sức răn đe, mới thể hiện được sự uy nghiêm của pháp luật, từ đó sẽ không để xảy ra tiền lệ xấu. Cán bộ nhiệm kỳ sau sẽ không phải vất vả đi xử lý hậu quả của nhiệm kỳ trước để lại.
Báo cáo tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật đất đai xảy ra tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Sự tác động và ảnh hưởng của thị trường bất động sản phát triển nóng tại nhiều địa phương là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm phát sinh, đặc biệt là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, như: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện các hành vi hủy hoại đất nông nghiệp…
Báo cáo tại Hội nghị giao ban quý I/2025, ông Đại cho biết đã xử lý 28.931 trường hợp vi phạm. Song, số này mới chỉ đạt 57,37% tổng số vi phạm cần xử lý.
Nguyễn Hùng
Huy Trung