Nhiều kết quả đạt được của ngành tài nguyên và môi trường

Nhiều kết quả đạt được của ngành tài nguyên và môi trường
một ngày trướcBài gốc
Theo Giám đốc Sở TN&MT Thái Minh Hiển, ngành TN&MT kịp thời tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện thực tế của từng địa phương. Công tác thanh, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tăng cường. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được chủ động tham mưu, triển khai hiệu quả và có nhiều đóng góp quan trọng.
An Giang đã thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố, trình thông qua hội đồng thẩm định (hoàn thành trình phê duyệt trong tháng 10/2024). Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh đã hoàn thiện để gửi Bộ TN&MT. Đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 2 nghị quyết tại kỳ họp giữa năm 2024: Nghị quyết hủy bỏ danh mục dự án có thu hồi đất và sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021 ban hành kèm theo Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Nghị quyết bổ sung danh mục dự án ban hành kèm theo Nghị quyết 44/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Sở TN&MT hướng dẫn UBND cấp huyện việc chuyển mục đích sử dụng đất từ 0,5ha đất trồng lúa sang đất thương mại dịch vụ; về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh; triển khai Quyết định 47/2023/QĐ-UBND, ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh quy định phân cấp thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.Đồng thời, hoàn thành nghiệm thu, kết thúc để đưa vào sử dụng đối với 6 công trình đo đạc, lập bản đồ địa chính và đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Phú, Chợ Mới. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh (14 dự án chuyển tiếp); hoàn thành bàn giao mặt bằng 4 dự án trọng điểm, cơ bản hoàn thành 3 dự án trọng điểm; phê duyệt phương án bồi thường 6 dự án, đang hoàn chỉnh phương án 4 dự án...
Chương trình đổi rác thải tái chế lấy quà tại huyện An Phú
Về tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đơn vị đã phê duyệt phương án bồi thường với số tiền 1.729 tỷ đồng, của 1.530 hộ (đạt 100%), diện tích khoảng 388,7ha (đạt 100%). Theo đó, chi tiền bồi thường 1.674 tỷ đồng cho 1.522 hộ (đạt 98,2%). Còn lại 8 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường, sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh triển khai thi công hoàn thành công trình nâng sức chứa hồ Ô Tưk Sa (huyện Tri Tôn) phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện dự thảo đề cương nhiệm vụ - dự toán “Phương án thực hiện vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh An Giang”. Đồng thời, phê duyệt nhiệm vụ - dự toán khảo sát, lập đề cương và dự toán chi tiết “Xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh An Giang”; phê duyệt nhiệm vụ - dự toán khảo sát, lập đề cương “Xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, kênh và ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh An Giang”...
Lĩnh vực khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đề cương nhiệm vụ - kinh phí đo đạc hiện trạng địa hình đáy sông, đánh giá trữ lượng 5 khu mỏ và 2 dự án nạo vét trên địa bàn tỉnh; cấp 10 bản xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản tại 10/11 khu mỏ, với tổng trữ lượng hơn 15 triệu m3. Đồng thời, bố trí từ các dự án nạo vét và khu mỏ trước đây (tổng trữ lượng 3,4 triệu m3). Tổng trữ lượng đã bố trí cho 3 đoạn dự án đường cao tốc (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang; cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ) là 18,6 triệu m3. Khối lượng cát còn thiếu cho 3 đoạn cao tốc trên gần 5,2 triệu m3...
Sở TN&MT hướng dẫn chủ đầu tư và nhà thầu thi công cao tốc thực hiện thủ tục trước khi tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản tại khu mỏ phục vụ nguồn cát cho các công trình cao tốc theo cơ chế đặc thù. Đồng thời, đề nghị nhà thầu thi công cao tốc báo cáo tiến độ thực hiện để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng tháng; thông báo nhà thầu thi công cao tốc về việc lập, trình thẩm định và phê duyệt phương án giá khoáng sản (cát sông) khai thác phục vụ cho tuyến cao tốc theo cơ chế đặc thù...
Đối với công tác bảo vệ môi trường, Sở TN&MT trình UBND tỉnh chủ trương xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, triển khai tại 2 phường của TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, làm cơ sở đánh giá, nhân rộng; đảm bảo lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Cụ thể, tổ chức tuyên truyền cho 200 hộ dân tham gia mô hình trên địa bàn mỗi phường được chọn (tập huấn, lắp đặt pano) và bố trí thùng rác lưu chứa (30 lít), tập kết (240 lít), túi phân hủy sinh học (tương ứng thùng 30 lít) để phân loại rác thành 3 loại theo quy định. Tiến tới nhân rộng mô hình sau năm 2025, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
HỮU HUYNH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nhieu-ket-qua-dat-duoc-cua-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-a409378.html