Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sau khi Đề án được Chính phủ ban hành, Bộ NN-MT đã xây dựng quy trình canh tác bền vững cũng như triển khai 7 mô hình điểm cấp trung ương tại 5 tỉnh, thành: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Cụ thể, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2%-24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới.
Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO2 tương đương/ha.
Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ NN-MT phát biểu tại hội nghị sơ kết.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh chọn HTX đủ điều kiên tham gia Đề án về mặt kỹ thuật với 50 ha với giống lúa ST 25. Qua tổng kết mô hình cho thấy chi phí giảm khoảng 20% và lợi nhuận tăng 25%, CO2 giảm khoảng 4 tấn/ha.
“Nông dân canh tác theo đúng quy trình đưa ra thì tất nhiên là chi phí giảm, giá bán lúa là 11.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với giống lúa ngoài mô hình. Kết quả thí điểm này đủ cơ sở khoa học để tiếp tục thực hiện Đề án. Năm 2025, tỉnh chọn 8 HTX để thí điểm trên 350 ha”, ông Nam nói.
Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ NN-MT khẳng định những kết quả trên sau một năm thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam và phù hợp với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về việc đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050. Đồng thời, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế theo hướng xanh, phát thải thấp và đây cũng là xu hướng chung của quốc tế.
Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao.
Quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ. Một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc hiểu rõ nội hàm của Đề án, nhất là trong bối cảnh nước ta đang triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp dẫn đến tâm lý dè dặt trong tổ chức thực hiện, nhất là việc phê duyệt dự án và ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương cho nông dân tham gia đề án.
Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ yêu cầu tưới tiêu, quản lý đồng ruộng chưa theo kịp tiến độ; việc phát triển các chuỗi liên kết bền vững vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là khâu tiêu thụ lúa gạo, cơ sở chế biến sâu chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để triển khai trên diện rộng…
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao đã được đạt được những kết quả khả quan.
Bộ trưởng Bộ NN-MT đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu bền vững, đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, chú trọng mở rộng kinh doanh sang các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, hướng tới các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao.
Văn Vĩnh