Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện Đam Rông ngày càng phát triển
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, đến hết năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 3.696 tỷ đồng, tăng hơn 2.522,7 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,15 lần so với năm 2019. Cụ thể, các loại cây trồng chủ lực, huyện Đam Rông đã chuyển giao nông dân áp dụng giải pháp kỹ thuật mới, cải tạo, chuyển đổi giống mới tăng năng suất vượt trội. Đó là niên vụ lúa Đông Xuân năm 2018-2019, khu vực 3 xã Đầm Ròn với tổng diện tích gần 700 ha được duy trì sản xuất đồng trà - đồng vụ với các loại giống mới đạt năng suất và chất lượng cao như: OM6162, ML250, Đài Thơm Tám, ST24, ST25. Qua nhân rộng đến nay, toàn huyện Đam Rông có trên 90% nông hộ sử dụng giống lúa mới sản xuất; tỷ lệ cơ giới hóa đạt 95% trong khâu làm đất, 70% trong khâu thu hoạch; năng suất lúa trung bình đạt 5,2 tấn/ha, tăng 3,6 tạ/ha so với năm 2019. Với cây cà phê chủ lực, toàn huyện Đam Rông tiến hành tái canh, ghép cải tạo hơn 3.190 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới cao sản, chất lượng như TR4-9, Xanh lùn, Thiện Trường, TS… Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, bón phân cân đối, kết quả năng suất cà phê năm 2024 ước đạt trên 3,2 tấn/ha, tăng 3 tạ/ha so với năm 2019. Đến nay, huyện Đam Rông duy trì ổn định trên 12.500 ha cà phê.
Đáng kể, cây sầu riêng từ năm 2019 đến năm 2024, toàn huyện Đam Rông tăng 2.665 ha, nâng tổng số diện tích lên hơn 3.015 ha. Trong đó, diện tích cây sầu riêng đến thời kỳ kinh doanh 1.069 ha. Niên vụ 2023 - 2024, tổng sản lượng sầu riêng Đam Rông đạt trên 11.500 tấn, tương ứng tổng doanh thu hơn 500 tỷ đồng. Hạch toán lợi nhuận diện tích cây sầu riêng trồng thuần và trồng xen thu về từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Tương tự, diện tích cây mắc ca toàn huyện Đam Rông đến cuối năm 2024 đạt trên 1.662 ha, tăng gấp 3,7 lần với năm 2019; trong đó, diện tích thu hoạch 387 ha, năng suất quả tươi khoảng 8 tấn/ha/năm. Ngoài ra, diện tích cây dâu tằm toàn huyện Đam Rông tăng 525 ha so với năm 2019, nâng tổng diện tích trên địa bàn trên 900 ha; diện tích nuôi cá tầm 14,3 ha, sản lượng trên 1.200 tấn/năm, tổng giá trị hơn 216 tỷ đồng/năm. Trừ mọi chi phí đầu tư, lợi nhuận nuôi cá tầm đạt trung bình từ 120 - 140 triệu đồng/100 m2 mặt nước/năm. Tính chung hiện nay, diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Đam Rông đạt trên 1.099 ha, lợi nhuận tính riêng từ canh tác rau, hoa thương phẩm từ 850 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông đã xây dựng 15 chuỗi liên kết với trên 1.100 hộ tham gia, sản lượng nông sản qua chuỗi trên 11.500 tấn. Toàn huyện Đam Rông có 18 sản phẩm công nhận OCOP 3 sao; 1 nhà máy ươm tơ công suất 2 tấn/ngày, 4 cơ sở chế biến mắc ca, 3 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 3 cơ sở sơ chế, chế biến trà dây rừng. Bên cạnh đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm như các hồ chứa nước Đạ Nòng 1 (xã Đạ Tông), Đạ Chao (xã Đạ Rsal), huyện Đam Rông tiếp tục phát triển diện tích ao, hồ nhỏ, hàng năm trên 85% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tưới chủ động trong mùa khô. Đặc biệt, đến cuối năm 2024, trên địa bàn huyện Đam Rông có 8/8 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, tăng 6 xã so với năm 2019. Trong đó, xã Đạ Rsal đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số; xã Phi Liêng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
“Nhìn lại từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đam Rông đã tham mưu, đề xuất, lồng ghép các nguồn lực xây dựng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao gắn với đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm, tham quan từ thực tiễn cho đội ngũ khuyến nông, nông hộ. Đồng thời xây dựng, mở rộng các liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế, chế biến sản phẩm, nhất là đối với các cây trồng chủ lực trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh mẽ…”, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông đánh giá.
VĂN VIỆT