Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: NHNN
Loạt kiến nghị liên quan đến tín dụng
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết: Để triển khai có hiệu quả chương trình 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Agribank đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ cân đối nguồn lực để sớm triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi,… trong khu vực triển khai đề án.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá năm 2025. Ảnh: NHNN
Đối với Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ, để triển khai hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng kiến nghị giải pháp thúc đẩy triển khai một số chương trình tín dụng. Ảnh: ST
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư vào các hoạt động gây quỹ và xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số; trong đó có cơ chế tài trợ, chia sẻ lợi nhuận và xử lý rủi ro phù hợp.
“Nếu Chính phủ cho phép, các ngân hàng có thể tham gia góp vốn vào các quỹ này thay vì chỉ cho vay thương mại như hiện nay” - ông Tú nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Với các quy định cho vay hiện tại của các ngân hàng thương mại, việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số và các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ cao có độ rủi ro lớn sẽ gặp khó khăn. Nếu áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, ngân hàng có thể sẵn sàng tham gia đầu tư.
Đối với cho vay lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn để thi hành nhằm nhanh chóng tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, tạo ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng mới cho cả khách hàng bán buôn và bán lẻ.
Cũng liên quan đến tín dụng đối với các dự án, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần (TPBank) Đỗ Minh Phú đề xuất NHNN sẽ xem xét đối với các ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì cho phép phần vốn này không tính vào room tín dụng hằng năm. Bởi lẽ, thời điểm này có một số dự án BOT còn khó khăn, việc cho phép điều chỉnh tỷ lệ vốn công lên 70% sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn và ngân hàng cũng yên tâm hơn trong việc đồng hành, qua đó đóng góp vào đột phá về hạ tầng và mục tiêu chung trong năm 2025 có 3 nghìn km đường cao tốc.
Lãnh đạo TPBank cũng kiến nghị Bộ Công an nâng cao năng lực khai thác dữ liệu, xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng dân cư, giúp ngân hàng đánh giá khách hàng chính xác, rút ngắn thời gian xét duyệt và kiểm soát rủi ro. Đồng thời, đề xuất kết nối dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu an sinh - xã hội khác để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại định danh và chấm điểm khả tín khách hàng tốt hơn, theo đó phát triển gói tín dụng đặc thù và thúc đẩy tín dụng an toàn.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) - kiến nghị Chính phủ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Đồng thời, NHNN giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, phát triển tín dụng số hóa và điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu…
Thống đốc nói gì về tín dụng, lãi suất, tỷ giá?
Làm rõ thêm một số vấn đề về tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Năm 2025, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Theo Thống đốc, NHNN sẽ theo sát diễn biến, nếu kiểm soát lạm phát được thấp thì sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu này và ngược lại. Chính sách tín dụng cũng sẽ tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, khai thác các động lực như tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Với tín dụng nhà ở xã hội, cần nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngân sách nhà nước. Hệ thống ngân hàng đã rất trách nhiệm với tinh thần nhân văn, đã hỗ trợ và tự nguyện giảm lãi suất nhưng quá trình triển khai gặp khó khăn. NHNN mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp với địa phương đánh giá tổng thể nhu cầu về nhà ở, bao nhiêu nhu cầu cần sở hửu, bao nhiêu nhu cầu cần thuê, mua, để tín dụng ngân hàng đi vào trọng tâm. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng tích cực triển khai tín dụng BOT và BT (xây dựng - chuyển giao).
Về vấn đề lãi suất và tỷ giá, Thống đốc cho rằng đây là nhiệm vụ rất thách thức, bản thân các ngân hàng thương mại cần có sự rà soát tiết giảm chi phí để cố gắng giảm lãi suất. Trong điều hành, NHNN cũng có các kênh đưa tiền ra để các ngân hàng không phải gặp khó khăn trong nguồn vốn. Về tỷ giá, NHNN theo dõi sát, điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng mong muốn được luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định ngân hàng là một trong những ngành tiên phong. Bộ Công an và NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư. Tới đây, khi kết nối với các cơ sở dữ liệu của các cơ quan, bộ, ngành khác, các ngân hàng có cơ hội kết nối và thúc đẩy chuyển đổi số./.
ĐỨC THÀNH