Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa tại Kiev, Ukraine ngày 24/2/2025. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin AP, các nhà lãnh đạo, trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng một số nhà lãnh đạo Bắc Âu, đã được Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha và Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrii Yermak chào đón tại nhà ga khi đặt chân tới Kiev.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào cùng ngày, bà von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo Châu Âu tới Kiev "vì Ukraine nằm ở Châu Âu". Bà khẳng định: "Trong cuộc chiến sinh tồn này, không chỉ vận mệnh của Ukraine bị đe dọa mà còn là vận mệnh của Châu Âu".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa cho biết các nhà lãnh đạo còn lên kế hoạch tham dự các sự kiện dành riêng cho dịp kỷ niệm 3 năm kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, cũng như tiến hành thảo luận với Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc hỗ trợ Ukraine.
Trước đó ngày 23/2, ông Costa tuyên bố sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của 27 nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 6/3 tới, với Ukraine là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự. Mục tiêu cuối cùng là nhằm điều chỉnh lại chiến lược của châu Âu đối với Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ có nhiều sự thay đổi về chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump.
"Chúng ta đang sống trong thời khắc quyết định đối với Ukraine và an ninh châu Âu," ông Costa cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện nhiều động thái ngoại giao nhằm hiện thực hóa lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là chấm dứt xung đột Nga - Ukraine một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các chính sách của ông gây ra một số lo ngại cho Ukraine và châu Âu trong cách giải quyết cuộc xung đột.
Ngày 18/2, phái đoàn Mỹ và Nga đã gặp nhau tại Riyadh, Saudi Arabia để thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Joe Biden đình chỉ hầu hết các cuộc tiếp xúc giữa Washington với Moscow vào năm 2022. Các quốc gia châu Âu và Ukraine không tham dự vào cuộc gặp mặt này.
Vào thời điểm đó, thông báo từ Mỹ và Nga cho biết phái đoàn của hai nước đã nhất trí tạo ra một "cơ chế tham vấn" để giải quyết những vấn đề khó trong quan hệ song phương và bình thường hóa hoạt động của các phái bộ ngoại giao của hai nước.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Washington và Moscow đã nhất trí bổ nhiệm các nhóm cấp cao làm việc để tìm ra con đường giải quyết xung đột Ukraine càng sớm càng tốt và đảm bảo một nền hòa bình bền vững được tất cả các bên chấp nhận.
Tới ngày 22/2, Bộ ngoại giao Nga cho biết các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được tiến hành. Ngày 23/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời hãng thông tấn TASS rằng Moscow và Washington sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán song phương vào những ngày tới.
Phản ứng lại những diễn biến này, Vương quốc Anh có khả năng sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga ngày 24/2, gói trừng phạt được nước này khẳng định là lớn nhất kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột.
Ngoài ra, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều sẽ đến thăm Washington trong tuần này, với Ukraine là một trong những vấn đề được chú trọng trong các chương trình nghị sự.
Ngân Hà