Khách hàng rót một ly rượu vang Beaujolais Nouveau tại nhà hàng Le Mesturet ở Paris, Pháp, ngày 16/11/2023 (ảnh minh họa)
Một nghiên cứu mới do Mạng lưới hành động thuốc trừ sâu châu Âu (PAN Europe) công bố ngày 24/4 cho thấy rượu vang sản xuất tại 10 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây đều bị phát hiện nhiễm acid trifluoroacetic (TFA).
Theo tờ Politico, cả 49 mẫu rượu vang được kiểm tra đều cho kết quả dương tính với TFA. Trong một số chai, nồng độ TFA ghi nhận lên tới 320 microgram/lít - cao gấp hơn 3.000 lần ngưỡng tối đa cho phép đối với dư lượng thuốc trừ sâu trong nước ngầm theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Các chuyên gia cảnh báo, kết quả này cho thấy mức độ lan rộng đáng báo động của loại hóa chất này trong chuỗi thực phẩm tại châu Âu.
Việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ nấm - trong đó có các sản phẩm chứa PFAS - trong canh tác nho khiến vườn nho trở thành điểm nóng tích tụ hóa chất. PAN Europe cho biết TFA không được phát hiện trong các chai vang sản xuất trước năm 1988, nhưng hàm lượng đã tăng dần trong các thập kỷ sau do sự gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu và chất làm lạnh chứa fluor.
Ông Helmut Burtscher-Schaden, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức môi trường Global 2000 (Áo) và là trưởng nhóm thực hiện nghiên cứu, nhận định "đây là hồi chuông cảnh báo không thể xem nhẹ". Theo ông, "việc TFA tích tụ với mật độ lớn trong cây trồng cho thấy con người có thể đang hấp thụ loại hóa chất này qua thực phẩm nhiều hơn so với những suy đoán trước đây".
Nghiên cứu có tên "Thông điệp từ chai rượu" đã tiến hành phân tích cả rượu vang hữu cơ và rượu vang sản xuất thông thường. Mặc dù các sản phẩm hữu cơ ghi nhận nồng độ TFA thấp hơn, không có mẫu nào hoàn toàn không bị nhiễm. Rượu vang từ Áo được phát hiện có mức ô nhiễm cao nhất, song các nhà nghiên cứu khẳng định đây là vấn đề mang tính chất toàn châu Âu.
TFA là sản phẩm phụ của PFAS - nhóm hợp chất chứa fluor được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm gia dụng, thiết bị nhà bếp, bọt chữa cháy và thuốc trừ sâu nông nghiệp. Những chất này có đặc tính kháng nhiệt, nước và dầu, đồng thời rất khó phân hủy, khiến chúng tích tụ trong môi trường và cơ thể sinh vật, có nguy cơ gây ung thư, tổn thương gan và ảnh hưởng sinh sản.
Một nghiên cứu do ngành công nghiệp tài trợ vào năm 2021 đã phát hiện TFA có khả năng gây dị tật nghiêm trọng ở bào thai thỏ, từ đó dẫn đến đề xuất phân loại TFA là chất độc đối với sinh sản theo khuôn khổ quản lý hóa chất REACH của EU.
Báo cáo được công bố chỉ vài tuần trước khi các nước thành viên EU bỏ phiếu xem xét lệnh cấm đối với flutolanil - một loại thuốc trừ sâu PFAS được cho là nguồn phát thải TFA lớn. PAN Europe cùng nhiều tổ chức môi trường kêu gọi cấm hoàn toàn tất cả thuốc trừ sâu có chứa PFAS trên toàn EU.
Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về báo cáo trên.
TB (tổng hợp)