Tăng tính răn đe
Thống kê của Cục CSGT, trong ngày đầu Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực (1/1/2025), lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 13.000 trường hợp vi phạm; phạt tiền ước tính gần 28 tỷ đồng. Trong đó, có gần 2.800 tài xế vi phạm nồng độ cồn, hơn 3.000 trường hợp vi phạm tốc độ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm giao thông và chia sẻ liên ngành giúp quản lý chặt chẽ lái xe, phương tiện (ảnh minh họa).
Theo Cục CSGT, việc tùy tiện tham gia giao thông, bất chấp, coi thường pháp luật là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có.
Năm 2024, toàn quốc xảy ra 21.532 vụ TNGT đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Trong đó, có hơn 3.000 vụ do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; làm chết hơn 1.400 người, bị thương hơn 2.700 người.
Nghị định 168/2024 vừa ban hành đã tăng nặng mức xử phạt các hành vi như: Đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc; dùng điện thoại khi lái xe, vượt đèn đỏ… với mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Đại diện Cục CSGT cho biết, việc tăng mức xử phạt là cần thiết để bảo đảm tính răn đe, góp phần kéo giảm TNGT.
Bên cạnh việc tăng chế tài xử phạt, theo Nghị định 151/2024 (cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ.
Cơ sở dữ liệu này bao gồm các thông tin: Đối tượng và phương tiện vi phạm, hành vi, thời gian, địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt; thông tin người được cấp GPLX, số GPLX, hạng GPLX, số điểm hiện có, số điểm bị trừ, số điểm còn lại; cơ quan của người ra quyết định xử phạt, trừ điểm.
Nhiều lợi ích
Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự Công an TP Bắc Giang cho biết, thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu này, cùng với ứng dụng công nghệ trong tuần tra kiểm soát khi mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường sẽ được cấp tài khoản riêng để truy cập vào hệ thống.
Chỉ cần nhập số GPLX của người vi phạm có thể tra cứu được vi phạm trước đó của tài xế, thời gian, địa điểm vi phạm, hình thức xử phạt. Mặt khác, khi biên bản vi phạm được chuyển về tổ xử lý, cán bộ xử lý vi phạm còn có thể tra cứu được lịch sử vi phạm của phương tiện.
Theo trung tá An, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ sẽ là căn cứ để lực lượng chức năng xem xét chế tài xử phạt đối với các trường hợp tái phạm.
Đơn cử, trường hợp bổ sung chế tài tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy có hành vi tái phạm lạng lách, đánh võng trên đường bộ, sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi đang chạy trong vòng 12 tháng (theo quy định về thời hiệu xử phạt tại Nghị định 168/2024).
Cần chia sẻ rộng rãi
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thực tế nhiều tài xế vi phạm có thể bị lập biên bản trực tiếp hoặc phạt nguội trong ngày hôm trước nhưng ngày hôm sau lại tiếp tục vi phạm, có thể cùng một lỗi hoặc hai lỗi khác nhau.
Khi xây dựng được cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, lực lượng CSGT có thể tra cứu được lỗi vi phạm trước đó của tài xế, từ đó tiến hành truy phạt hoặc có thể áp dụng mức phạt cao nhất đối với hành vi tái phạm cùng một lỗi.
Theo ông Tạo, cần đầu tư ứng dụng công nghệ đảm bảo hạ tầng trong liên thông, chia sẻ dữ liệu, cảnh báo tức thì tới lái xe, chủ phương tiện khi có hành vi vi phạm bị xử lý, đặc biệt là phạt nguội, trừ điểm GPLX.
Hoặc có thể cung cấp tài khoản để người dân tự tra cứu lịch sử vi phạm, số điểm GPLX của mình, của phương tiện sở hữu. Qua đó siết ý thức, để tài xế không dám tiếp tục vi phạm vì có thể bị phạt mạnh hơn, thậm chí bị trừ hết điểm GPLX phải thi lại.
Mặt khác, có thể chia sẻ cơ sở dữ liệu này cho Sở GTVT, Cục Đăng kiểm VN để làm căn cứ khi cấp các thủ tục hành chính khác, đơn cử như cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải, đổi GPLX, tiếp nhận hay từ chối kiểm định phương tiện…
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đề xuất, dữ liệu về xử lý vi phạm và sức khỏe người lái xe nên được chia sẻ với các đơn vị vận tải. Đây sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp tham khảo, xác minh tài xế khi tuyển dụng, sử dụng lái xe.
"Điều này không chỉ giảm rủi ro cho doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao ý thức tài xế, vì không còn chuyện vi phạm đơn vị này có thể dễ dàng xin việc ở đơn vị khác", ông Bằng nói.
Theo Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Bắc Giang, việc cập nhật cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ từ phía CSGT có thể thực hiện ngay, không gặp khó khăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong sử dụng dữ liệu, điều quan trọng nhất là cần có hạ tầng công nghệ để liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu liên ngành.
Yến Chi